Hỗ trợ số lượng lớn người lao động trong thời gian ngắn
Sáng 26/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ngày 1/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở nước ta thời gian vừa qua, với “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế và trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021.
Nghị quyết gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021.
Các nguyên tắc cơ bản của các chính sách này là: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng các tiêu chí, điều kiện dễ tiếp cận; bảo đảm chính sách có tính khả thi, hiệu quả và mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách.
Nghị quyết số 68/NQ-CP gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tính đến ngày 30/6/2022 cho thấy, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh. Tổng số tiền hỗ trợ là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thanh cũng chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên có một số hạn chế.
Trước hết, trong giai đoạn đầu, có nội dung còn chưa sát thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung do yêu cầu xây dựng nhanh. Nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, dự báo dẫn tới việc đánh giá tác động chính sách, dự liệu đối tượng, nguồn lực triển khai một số chính sách chưa thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện, một số địa phương còn thiếu nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, việc rà soát đối tượng, cấp phát kinh phí chưa kịp thời. Điều này dẫn đến việc giải quyết, chi trả chế độ còn chậm do phạm vi thực hiện rộng, đối tượng thụ hưởng đa dạng, phức tạp trong khi nguồn lực có hạn, phải tổ chức triển khai trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và có lúc, có nơi sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
Đến ngày 30/6/2022: Cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394 nghìn đơn vị sử dụng lao động và 508 nghìn hộ kinh doanh. Tổng số tiền hỗ trợ là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ còn nhiều hạn chế, dẫn đến độ chính xác trong việc lập danh sách, rà soát, xác minh đối tượng ở nhiều địa phương chưa cao.
Song nhìn chung, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời. Nội dung các chính sách được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn. Điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt; công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Để có được thành công trong xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP chính là nhờ sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, đồng tình và tích cực tham gia của người lao động, người sử dụng lao động và người dân; phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt , tự chịu trách nhiệm, có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời của các bộ, ngành.
Hơn nữa, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, giúp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách và người dân, cơ quan tổ chức triển khai hiểu được chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nội dung tư tưởng của từng chính sách, trình tự thủ tục các bước triển khai thực hiện.
Chính sách ban hành sát với thực tiễn
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh chia sẻ tại chương trình. |
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đánh giá, Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành sát với tình hình thực tiễn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tích cực với các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)… làm tốt công tác tham mưu. Vì vậy, khi triển khai Nghị quyết vào thực tế, việc tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, đến nay, đại dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt và đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP được thiết kế mang tính chất ngắn hạn, áp dụng mang tính tạm thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Thời gian kết thúc thực hiện các chính sách đã được xác định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Những chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 được chuyển sang thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ cho phép không tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP.
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh mong muốn, nếu dừng triển khai các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tiếp tục đề xuất với Chính phủ một chính sách tương tự để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động ở các địa phương. Bởi hiện nay, đang xảy ra tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động,… do giảm đơn hàng tại một số tỉnh, thành phố.
Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) Vi Thị Hồng Minh nêu ý kiến tại chương trình. |
Còn bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới thiệu sử dụng lao động (VCCI) quan tâm tới chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Bà cho hay, trong chuyến đi nắm bắt tình hình của doanh nghiệp và người lao động ở các địa phương hai tuần trước, cục bộ ở một số vùng, xuất hiện tình trạng có những doanh nghiệp gặp khó khăn do cắt giảm đơn hàng. Về tổng thể, chưa thấy nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng như trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhưng có thể trong quý I và quý II năm sau, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Vì vậy, bà đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu chính sách cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để có cơ hội trả lương cho người lao động nhằm giữ nguồn nhân lực. Đồng thời, kết nối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Khi đơn vị sử dụng lao động cho người lao động ngừng việc có thể là giai đoạn phù hợp cho doanh nghiệp tổ chức đào tạo duy trì việc làm, cũng như giữ chân người lao động.