Nghị quyết 68 đã hỗ trợ gần 28,3 triệu lượt đối tượng

NDO -

Sau nửa năm triển khai, nhóm các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 đã có những kết quả khả quan. Qua đó, hỗ trợ gần 28,3 triệu lượt đối tượng, với hơn 33,5 nghìn tỷ đồng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đại dịch

Ngày 31/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, kết quả thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố đã đạt kết quả khả quan.

Thành phố Hồ Chí Minh có số đối tượng và kinh phí hỗ trợ cao nhất. Cụ thể, Thành phố hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng.
Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).

Tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này trên toàn quốc là hơn 33.505 tỷ đồng, hỗ trợ gần 28,3 triệu lượt đối tượng. Trong đó, có 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, hơn 27,88 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Về kinh phí hỗ trợ, theo tính toán dự kiến ban đầu, không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù. Tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đến nay đạt 52,32% kế hoạch dự toán.

Riêng tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng, tương đương 32,7% kế hoạch dự toán. Qua đó, hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với hơn 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022. Tổng số tiền tạm tính là khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 58/63 địa phương với 844 đơn vị sử dụng lao động và hơn 160 nghìn lao động. Tổng kinh phí đạt hơn 1.112 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm địa phương chưa có đối tượng hỗ trợ là Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đắk Nông và Kon Tum.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 4.644 lao động tại 45 đơn vị sử dụng lao động để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 8 địa phương, 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.

Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã xác nhận danh sách cho gần 2,97 triệu người lao động của 70.515 đơn vị sử dụng lao động để đề nghị hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.

Cơ bản hoàn thành chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc giải quyết hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã cơ bản hoàn thành.

Tới hết ngày 23/12, cơ quan này đã giải quyết hỗ trợ cho hơn 12,8 triệu lao động. Cụ thể, có 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia. Số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng.

Kinh phí đã chi trả trực tiếp cho người lao động là 30.069 tỷ đồng tới gần 12,7 triệu người. Đa số người nhận được chi trả qua tài khoản cá nhân.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng cơ bản hoàn thành xác định kinh phí giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động. Số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 khoảng 7.595 tỷ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 12.165.786 lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người.

Ngoài ra, hơn 28,8 nghìn lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Quan tâm nhóm phụ nữ mang thai và trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin thêm, theo quy định hỗ trợ của Nghị quyết 68 và Quyết định 23, hơn 24,3 nghìn lao động nữ mang thai và 375.280 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người.      

Bên cạnh đó, hơn 702 nghìn đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 468,7 tỷ đồng. Khoảng 53 nghìn đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức tiền 1 triệu đồng mỗi người.

Các địa phương có số kinh phí hỗ trợ lớn với nhóm đối tượng này là: Long An, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Nghệ An, Đồng Nai.

Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp 46 địa phương hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em. Trong đó, có 2.840 trẻ mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 được hỗ trợ 5 triệu đồng/em. 481 trẻ sơ sinh là con của sản phụ nhiễm Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/ em. Tổng kinh phí dành hỗ trợ các em lên tới gần 14,7 tỷ đồng.