Nghèo và giả... nghèo

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đến cuối năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ chung toàn quốc là 7,52% với con số 1.972.767 hộ.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, hai vùng có tỷ lệ cao nhất là trung du và miền núi phía bắc (21,92% với 701.461 hộ) và Tây Nguyên (15,39% với 236.766 hộ). Kết quả rà soát nêu trên là cơ sở để Nhà nước, các bộ, ngành thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác kể từ ngày 1/1/2023…

Ở một góc nhìn khác, không ai muốn gia cảnh bần hàn và mang tiếng là nghèo. Thoát nghèo và vươn lên phồn thịnh là khát vọng của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi miền quê, và lớn hơn là sự nghiệp của cả quốc gia.

Vượt qua thân phận nghèo khó vừa thể hiện tự trọng, tự hào khi ý chí, nội lực và trí tuệ được khẳng định. Thế nhưng, thực tế hiện nay, một nghịch lý diễn ra ở nhiều địa phương, cả nông thôn lẫn thành thị, nhiều hộ gia đình lại tìm mọi cách, từ xin xỏ đến chạy chọt để có được trong tay tấm sổ hộ nghèo…, trong khi bản thân gia cảnh của họ không thật sự nghèo!…

Câu chuyện hộ nghèo nêu trên như thể chuyện đùa, nhưng phổ biến đến mức mà ở nhiều nơi, những hộ gia đình có nhà cao cửa rộng, thu nhập hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà có sổ hộ nghèo cũng được coi là chuyện thường tình.

Hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo và nhất là những gia đình nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, nghèo đói, xóa dần khoảng cách phát triển và phân hóa đời sống là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương đó vừa cụ thể hóa các chính sách an sinh xã hội, vừa thể hiện đạo lý “tương thân tương ái” truyền thống của dân tộc.

Với tinh thần đó, những hộ có trong tay cuốn sổ hộ nghèo được hưởng những chính sách ưu đãi: được vay vốn tạo việc làm, học nghề, mua sắm trang thiết bị sản xuất, hỗ trợ hoặc cho vay xây dựng nhà cửa, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được miễn học phí khi trẻ đến trường, được hưởng các trợ cấp đột xuất và được… nhận tiền Nhà nước hỗ trợ mỗi dịp lễ, Tết…

Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP (ngày 15/3/2021) của Chính phủ: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực nông thôn hoặc hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên ở khu vực thành thị là chuẩn hộ nghèo.

Còn hộ cận nghèo cũng ở mức thu nhập đó nhưng thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn là vậy nhưng mấy nơi làm được theo chuẩn?! Trong quá trình bình xét, muốn có được cuốn sổ hộ nghèo, người dân đưa ra muôn vàn lý do còn cán bộ địa phương cũng ngại va chạm và “dĩ hòa vi quý”.

Không ít trường hợp vận động, bè phái, họ hàng, anh em bỏ phiếu không khách quan, vô tư. Trường hợp nghèo thật thì phiếu thấp, trường hợp nghèo “giả” nhưng vận động được nhiều phiếu hoặc họ hàng, thân thích của cán bộ thì… được nhận sổ hộ nghèo dù không thật sự nghèo.

Thống kê như đã nêu ở trên. Đó là con số thống kê, còn sự thật, có bao nhiêu phần trăm trong số ấy là hộ giả… nghèo?! Thiết nghĩ, nếu không sớm chấn chỉnh tình trạng này thì sẽ dẫn đến sự hỗ trợ của Nhà nước rơi vào những gia đình không thuộc diện nghèo, còn những hộ thật sự nghèo khó thì không được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tư tưởng mưu cầu, lợi dụng chính sách không chính đáng và trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cũng sẽ có đất phát sinh. Khắc phục điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương phải rà soát kỹ, chấn chỉnh nghiêm túc, đồng thời kiểm điểm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Có như vậy, chương trình xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội của Nhà nước mới thật sự phát huy hiệu quả khi xác định đúng đối tượng của chính sách.