Diễn đàn chủ nhật

Nghệ sĩ, trí thức hãy là tấm gương ứng xử trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật và quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông đã đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc với những người tham gia mạng xã hội có những hành vi "lệch chuẩn", vi phạm pháp luật ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó có những đối tượng là người của công chúng, luật sư, doanh nhân, người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông…, vốn được coi là những người hiểu biết pháp luật và có nền tảng kiến thức xã hội nhất định.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Gần nhất, ngày 1/3/2024, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Ðặng Thị Hàn Ni 1 năm 6 tháng tù và bị cáo Trần Văn Sỹ 2 năm tù vì đã sử dụng mạng xã hội Facebook, YouTube đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân người khác. Ông Sỹ và bà Hàn Ni đều từng là luật sư; bà Hàn Ni còn là nhà báo từng được nhận nhiều giấy khen, giải thưởng báo chí.

Trước đó, những người liên quan đến vụ án này là doanh nhân Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù, còn luật sư Ðặng Anh Quân bị phạt 2 năm tù cùng với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" trên mạng xã hội.

Cũng trong ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phạt diễn viên, người mẫu Nguyễn Thị Lệ Nam Em 37,5 triệu đồng vì sử dụng mạng xã hội để livestream, đưa những thông tin về "góc khuất showbiz", xúc phạm cá nhân, danh nhân, nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cách đây đúng một tháng, người mẫu Ngọc Trinh nổi tiếng trong giới showbiz Việt cũng bị tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo về hành vi "biểu diễn" trên xe phân khối lớn, thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, đăng clip lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, đặc biệt là giới trẻ.

Những năm trước đã từng có nhiều nhân vật showbiz bị xử lý vì những hành vi "chém gió" trên mạng xã hội như: MC Trác Thúy Miêu bị phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động; ca sĩ Duy Mạnh bị phạt 7,5 triệu đồng vì dùng từ ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục; ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng, diễn viên Ngô Thanh Vân và Cát Phượng cùng bị phạt mỗi người 10 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19...

Mạng xã hội là thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ do con người tạo ra, mang lại rất nhiều tác dụng tích cực trong đời sống; nhưng những ai lợi dụng nó với động cơ, mục đích xấu thì có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Xác định sớm điều đó, nên các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các quy định về mạng xã hội.

Ngay từ đầu năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.

Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho các tổ chức, cá nhân.

Tháng 12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh sự thượng tôn pháp luật, không làm tổn hại uy tín của tập thể, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; giữ gìn phẩm chất đạo đức của người hoạt động nghệ thuật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Quy định thì có nhiều, vậy mà những vụ việc vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Ðiều đáng buồn là trong đó có nhiều người của công chúng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bởi vì tác hại từ hành động của họ sẽ lớn hơn nhiều lần.

Quy định thì có nhiều, vậy mà những vụ việc vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Ðiều đáng buồn là trong đó có nhiều người của công chúng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, bởi vì tác hại từ hành động của họ sẽ lớn hơn nhiều lần. Về mặt hành vi, có những người chủ ý thực hiện trong một thời gian dài với sự trợ giúp đắc lực của người khác. Họ là những người thành đạt, có vị trí xã hội nhất định. Lại có những người thích khoe khoang, phô trương trên mạng xã hội để tự "pi-a" (PR) bản thân; hoặc do nhận thức kém, thực hiện hành động bồng bột mang mục đích câu view, câu like giải trí.

Hầu hết các đối tượng khi nhận án phạt đều "ăn năn, hối hận". Các án phạt chủ yếu ở mức độ răn đe, có tính đến cống hiến của các cá nhân trong quá khứ và hiện tại, nên được dư luận đồng thuận. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho những ai lợi dụng sự lan truyền nhanh và tính mở của mạng xã hội cùng sự ảo tưởng về tiếng tăm hay tiền bạc của mình để coi thường pháp luật.

Hãy nhân lên sự ưu việt của mạng xã hội, thay vì làm cho nó trở nên đáng sợ với nhiều người. Hãy ứng xử theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", đem hiểu biết, uy tín cá nhân để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, trợ giúp những người yếu thế. Hãy là tấm gương tuân thủ pháp luật trên mạng xã hội cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những người hoạt động nghệ thuật nói riêng và những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng xã hội nói chung, trước hết cần lưu ý đến những tác động xã hội về hành vi của mình. Có những thông tin cần được kiểm chứng thận trọng, có những bức bối cá nhân cần được kiềm chế và đưa ý kiến lên mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Hãy nhân lên sự ưu việt của mạng xã hội, thay vì làm cho nó trở nên đáng sợ với nhiều người. Hãy ứng xử theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", đem hiểu biết, uy tín cá nhân để lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, trợ giúp những người yếu thế. Hãy là tấm gương tuân thủ pháp luật trên mạng xã hội cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ðó là những điều những nghệ sĩ, trí thức đích thực và có trách nhiệm có thể làm tốt nhất trên mạng xã hội và truyền cảm hứng tích cực cho cộng đồng, thay vì đánh mất mình vì những hành vi lệch chuẩn.