Sau khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra hồi tháng 10/2023, các tổ chức nghiên cứu xã hội nhận thấy, các vụ việc bài Do Thái tăng mạnh cả ở Mỹ, Ðức và Brazil. Số bài phát biểu chống Hồi giáo cũng tăng cao trên nền tảng YouTube. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhấn mạnh, những bình luận gây thù hận và thuyết âm mưu nhắm vào các cộng đồng cụ thể đang ngày càng lan rộng trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Một nghiên cứu gần đây của UNESCO/IPSOS tại 16 quốc gia cũng cho thấy, 67% số người dùng internet từng gặp phải phát ngôn gây thù hận trực tuyến, 85% lo ngại về tác động của thông tin sai lệch, coi đó là mối đe dọa thật sự có thể gây bất ổn xã hội.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến khiến lời lẽ kích động hận thù càng dễ lan rộng. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc khẳng định, công cụ hiệu quả nhất để chống kích động và phát ngôn hận thù chính là giáo dục. Theo Liên hợp quốc, giáo dục mang lại nhiều cơ hội để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của phát ngôn thù hận, nâng cao nhận thức của học sinh ở mọi lứa tuổi về các hình thức, cũng như hậu quả của lời lẽ hận thù cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời thực. Giáo dục cũng thúc đẩy sự phát triển cá nhân và đề cao tinh thần tôn trọng các nền văn hóa.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nêu rõ, nhiệm vụ chung của chúng ta là trao cơ hội cho học sinh ở mọi lứa tuổi để xử lý lời lẽ thù hận và đặt nền móng cho xã hội toàn diện, dân chủ và tôn trọng quyền con người. Ðể đạt những kết quả như mong đợi, đại diện UNESCO khẳng định cần đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho những giáo viên đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại những hiện tượng gây kích động hận thù.
Trên tinh thần đó, UNESCO dành Ngày quốc tế giáo dục năm nay (24/1) để tôn vinh vai trò quan trọng của giáo dục và giáo viên trong việc chống lại phát ngôn thù hận. UNESCO triển khai một khóa đào tạo trực tuyến cho hàng nghìn giáo viên trên khắp thế giới về cách xử lý những ngôn từ thù hận, cung cấp các công cụ để xác định, ngăn chặn và ứng phó lời lẽ kích động. Cũng trong dịp này, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), UNESCO tổ chức cuộc họp các bộ trưởng, lãnh đạo ngành giáo dục và các nhà giáo từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về vai trò trung tâm của giáo dục trong việc đạt được hòa bình bền vững toàn cầu.
Thế giới vẫn đang nỗ lực không ngừng vì một tương lai tốt đẹp hơn. Năm 2023, UNESCO đã xuất bản tài liệu hướng dẫn chống lại ngôn từ hận thù thông qua giáo dục, nhằm hỗ trợ chính quyền các nước tăng cường chính sách trong lĩnh vực này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng chia sẻ ý tưởng về chống thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trên internet; nhấn mạnh, sự lan truyền lời lẽ thù hận và thông tin sai lệch là mối đe dọa toàn cầu, cản trở tiến trình đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi phối hợp quốc tế để giúp không gian mạng an toàn hơn, dựa trên nguyên tắc tôn trọng nhân quyền.
Ðề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử để bảo đảm thông tin chuẩn mực trên nền tảng kỹ thuật số, người đứng đầu Liên hợp quốc nhận định cần tập trung các nội dung như: Chính phủ, công ty công nghệ và các bên liên quan hạn chế sử dụng, hỗ trợ, cũng như phát tán thông tin sai lệch và lời lẽ thù hận vì bất kỳ mục đích nào; chính phủ phải bảo đảm môi trường truyền thông tự do, độc lập và đa dạng, cũng như bảo vệ các nhà báo; nền tảng kỹ thuật số cần duy trì tính bảo mật và quyền riêng tư cho tất cả người dùng. Cùng với đó, các nhà quảng cáo và nền tảng kỹ thuật số phải bảo đảm rằng quảng cáo không được đặt cạnh thông tin sai lệch hoặc bài đăng gây thù hận…