Nghệ An thông qua Nghị quyết về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững

NDO -

Chiều 24/6, tại thành phố Vinh, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 6 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An với hơn 918,8 tỷ đồng; riêng trong năm 2022 là hơn 404 tỷ đồng.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. (Ảnh: Phạm Bằng)
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII. (Ảnh: Phạm Bằng)

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần. Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 918,8 tỷ đồng.

Trong đó, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo có tổng kinh phí hơn 803,8 tỷ đồng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững có tổng kinh phí là 114,9 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, Nghệ An sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hằng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Đối với kế hoạch phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn Nghệ An được bố trí 404,160 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư phát triển là hơn 305 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 98,629 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Nghị quyết cũng xác định cơ chế, giải pháp huy động và lồng ghép vốn thực hiện chương trình được thực hiện theo Nghị định 27/2022 của Chính phủ; việc lồng ghép phải được xác định khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Trong đó, phân định rõ được tỷ lệ huy động, cơ cấu từng nguồn vốn được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.