Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An Trần Quốc Thành cho biết, đến nay, tỉnh đã hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, các trường đại học tốp đầu trong nước và nước ngoài. Nghệ An đã triển khai ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, dược, công nghệ sinh học, giáo dục, công nghệ thông tin, chuyển đổi số,… Ðồng thời, tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị, điểm kết nối cung cầu công nghệ thiết bị vùng Bắc Trung Bộ nhằm cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp. Hằng năm, tỉnh đã tổ chức được 12 phiên kết nối cung, cầu về công nghệ, thiết bị.
Hiện, Nghệ An có 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tỉnh đã hỗ trợ mỗi dự án 30% tổng đầu tư của dự án, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Hiện, Nghệ An có 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 11 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, với tổng số tiền hỗ trợ là 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho 220 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chợ công nghệ, thiết bị 1 tỷ đồng. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đạt mức khá so với cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 25%.
Thời gian qua, Nghệ An đã khuyến khích sáng tạo khoa học-công nghệ thông qua việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và thương mại hóa các tài sản trí tuệ, với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; đồng thời hỗ trợ mua, chuyển giao tài sản trí tuệ để thương mại hóa, với mức không quá 30% giá trị hợp đồng chuyển nhượng.
Từ năm 2014 đến nay đã hỗ trợ 120 văn bằng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng. Ðến nay, Nghệ An có 1.479 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.384 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 67 văn bằng bảo hộ kiểu dáng, 19 văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích và 9 văn bằng bảo hộ sáng chế.
Thời gian qua, Nghệ An đã khuyến khích sáng tạo khoa học-công nghệ thông qua việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và thương mại hóa các tài sản trí tuệ, với mức hỗ trợ từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; đồng thời hỗ trợ mua, chuyển giao tài sản trí tuệ để thương mại hóa, với mức không quá 30% giá trị hợp đồng chuyển nhượng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Nghệ An đã từng bước được hình thành và phát triển, được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, ghi nhận khi thu hút được nhiều nhóm startup về khởi nghiệp tại địa phương.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, khởi động từ năm 2016. Chương trình khởi nghiệp đã lan tỏa trong cộng đồng cùng sự vào cuộc của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Nghệ An đã hình thành được không gian làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Trường đại học Vinh, nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường đại học và cao đẳng, tại một số huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh đã có hai quỹ đầu tư khởi nghiệp tư nhân với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng và đã trực tiếp đầu tư cho một số startup. Hằng năm, tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Nhiều dự án đã đoạt giải cao ở cấp quốc gia và nhiều dự án đã được các quỹ đầu tư kinh phí, như: Quỹ VinaCapital đầu tư cho Công ty cổ phần Công nghệ Gostream với số tiền 1 triệu USD, Quỹ VSV-NA, Quỹ đầu tư Thiên Minh Ðức đầu tư nhiều dự án với số tiền lớn nhất là 100 nghìn USD… Nhiều startup phát triển tốt, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường và có hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên đến nay, thị trường khoa học-công nghệ ở Nghệ An vẫn chưa thật sự sôi động. Giao dịch về sản phẩm khoa học-công nghệ chưa nhiều, chủ yếu là những hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị từ nước ngoài về. Việc chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa nhiều.
Doanh nghiệp ở Nghệ An chủ yếu là nhỏ và vừa, chiếm tới 98%, do đó nguồn lực đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn thấp, dẫn đến thị trường khoa học-công nghệ chưa mạnh.
Vấn đề định giá công nghệ còn bất cập, do đó, trong chuyển giao công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của Nghệ An còn thấp, chỉ bằng 0,5% chi thường xuyên, vì vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn khó khăn…
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và khu vực Bắc Trung Bộ cũng như tạo điều kiện cho thị trường khoa học-công nghệ phát triển sôi động và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Nghệ An tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An Trần Quốc Thành, cần có chính sách hỗ trợ thuế, thủ tục đất đai cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên trong đấu thầu đầu tư công, bổ sung chức năng dịch vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho Trung tâm Thông tin và Thống kê (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An)…
Ngoài ra, Trung ương cần sớm ban hành quy định hướng dẫn về việc xác định quyền tài sản, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; ban hành quy định về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) tại các viện nghiên cứu, trường đại học và đơn vị sự nghiệp công lập ■