Nghệ An: Phát hiện xác voi đực trong rừng cao su

NDO - Ngày 8/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân 1 con voi chết trong rừng cao su.
0:00 / 0:00
0:00
Xác voi tại khu rừng cao su xã Hạnh Lâm. (Ảnh Ngọc Tú)
Xác voi tại khu rừng cao su xã Hạnh Lâm. (Ảnh Ngọc Tú)

Theo đó, ngày 7/10, công nhân công ty cao-su phát hiện xác 1 con voi đang bị phân hủy tại cánh rừng cao-su trên địa bàn xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Nhận được tin báo, mặc dù mưa lớn, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, nơi phát hiện xác voi để khoanh vùng, khám nghiệm hiện trường; điều tra nguyên nhân.

Qua nhận định ban đầu, con voi có thể đã tử vong từ 1 tuần trước, thời điểm trên địa bàn đang xảy ra mưa lũ lớn. Cặp ngà dài khoảng 35cm của voi vẫn còn nguyên.

Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng không phát hiện dấu hiệu voi bị sát hại, vì không có vết đạn.

Tại hiện trường có dấu hiệu cây cối ngã rạp, mặt đất có nhiều dấu vết cho thấy con voi này có thể đã vật lộn trong đau đớn trước khi chết. Con voi này ước chừng 20 tuổi.

Lực lượng chức năng nhận định, cá thể voi này có thể sinh sống trong một đàn khoảng 6 con. Tuy nhiên, trong đàn voi có một con đực lớn, cho nên đã xảy ra xung đột, cá thể voi đực nhỏ hơn này bị đẩy ra khỏi đàn.

Sau đó, cá thể này di chuyển đến sống ở khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hạnh Lâm và Thanh Đức, huyện Thanh Chương, giáp ranh với Vườn quốc gia Pù Mát, sống trong cô độc.

Được biết, độ tuổi trung bình của loài voi châu Á là khoảng 60 đến 80 năm.

Theo thống kê của Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An có khoảng 13 đến 15 con voi rừng, là địa phương có số lượng voi rừng đứng thứ 3 cả nước sau tỉnh Đắk Lắk và Đồng Nai.

Trong số này, có 11 đến 13 con sống trong khu vực Vườn quốc gia Pù Mát. Một số con còn lại sống ở huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu.

Trước đó, tháng 2/2023, tại xã Châu Phong (Quỳ Châu), người dân cũng phát hiện xác con voi cái ở trong rừng.

Dù vẫn còn khá nhiều đàn voi tự nhiên, nhưng phần lớn các đàn voi ở Nghệ An lại là đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng phát triển.

Nhiều con voi cái sống đơn độc suốt hàng chục năm qua, thường xuyên về khu dân cư tàn phá hoa màu, xung đột với con người.

Nếu không có các biện pháp để sáp nhập với đàn khác, những đàn voi này sẽ dần bị xóa sổ theo thời gian.

Hiện, các giải pháp xử lý xác voi rừng để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như tiếp tục điều tra nguyên nhân tử vong của con voi đang được các ngành chức năng tỉnh Nghệ An thực hiện.