Tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân tộc thiểu số tại Vườn quốc gia Pù Mát

NDO -

Vừa qua, Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã (FFI) Việt Nam phối hợp Vườn quốc gia Pù Mát và huyện Con Cuông (Nghệ An) triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho các hộ dân người dân tộc thiểu số người Thái và Đan Lai tại vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát.

Trao bò cho người dân bản Khe Bù.
Trao bò cho người dân bản Khe Bù.

Tại Bản Khe Bu, xã Châu Khê, FFI Việt Nam đã trao cho 4 gia đình, mỗi gia đình 1 con bò hoặc 4 con dê sinh sản để nuôi theo hình thức tín dụng nhỏ và quay vòng vốn. Đây là các gia đình cam kết tham gia trong hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng và có nguyện vọng phát triển sinh kế thông qua chăn nuôi gia súc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.

Dự kiến, sau khi nhận nuôi và sinh sản thành công, 4 gia đình này sẽ bàn giao lứa bê, dê đầu tiên bắt đầu vào độ tuổi sinh sản cho 4 gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Ngoài việc nhận bò, dê, các hộ còn được hỗ trợ tiêm phòng hằng năm cho vật nuôi.

Tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, FFI Việt Nam hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây rễ hương (cây Hương Bài) cho 7 gia đình trên diện tích 2 ha.

Thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững tại Vườn quốc gia Pù Mát -0
 Hướng dẫn bà con bản Cò Phạt trồng cây rễ hương.

Đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản và phù hợp với trình độ canh tác của bà con dân tộc thiểu số. Loài cây này được sử dụng làm hương sinh học. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm rễ hương lại cao. Ngay khi mới trồng toàn bộ sản phẩm đã được thương lái cam kết bao tiêu bằng mức giá trên thị trường sau khi thu hoạch.

Rễ hương có thể làm cây che phủ chống xói mòn đất, trồng xen làm giàu rừng phục hồi các diện tích đất trống sau canh tác nương rẫy.

Với các mô hình hỗ trợ sinh kế trên, dự án do FFI Việt Nam tài trợ đang trao quyền cho người dân chủ động phát triển sinh kế bền vững gắn với thị trường hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng, đồng thời lan tỏa sự gắn kết, giúp đỡ tương trợ cùng phát triển trong cộng đồng.