Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí đại diện lãnh đạo Báo Nhân Dân, Bộ Tư lệnh Quân khu IV, tỉnh Nghệ An cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Ngày 19/4/1963, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký quyết định số 52-CP chia 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu thành 7 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Từ đây, huyện Tân Kỳ chính thức trở thành một đơn vị hành chính trên bản đồ Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Quân khu IV, tỉnh Nghệ An và các địa phương kết nghĩa dự lễ kỷ niệm. |
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, huyện Tân Kỳ được bao bọc bởi dãy núi Pù Loi, Pù À và dãy Bồ Bồ hùng vĩ, lại có Lèn Rỏi, Lèn Voi, sông Con, vực Rồng và hệ thống hang động Thung Khiển tạo nên một vị thế phòng thủ kín đáo, vững chắc.
Với vị trí địa lý ấy, Tân Kỳ đã trở thành địa bàn chiến lược quan trọng - là vùng đất đã 3 lần được chọn làm hậu cứ trong những thời điểm khó khăn nhất của các thời kỳ lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Vùng đất Tân Kỳ được biết đến bởi lòng dũng cảm, can trường, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, thông minh, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, giàu tình yêu thương chia sẻ với đồng chí, đồng bào, phẩm chất ấy đã tạo nên cốt cách đáng quý của người Tân Kỳ Bí thư huyện ủy Tân Kỳ, Đinh Thanh Bảo
Trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Đảng bộ, nhân dân Tân Kỳ nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trên cả hai vai: vừa xây dựng phát triển, chiến đấu bảo vệ hậu phương vừa hoàn thành việc chi viện đến mức cao nhất sức người sức của cho các chiến trường.
Những năm chống chiến tranh phá hoại, Tân Kỳ vừa là nơi khởi đầu cho tuyến đường cơ giới chiến lược, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm... và cũng là nơi rèn cán, luyện quân của các sư đoàn chủ lực 316, 324, 304 và 312 trước khi lên đường chiến đấu.
Cũng chính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ấy, mảnh đất Tân Kỳ đã ôm ấp, chở che, lưu trú cho các trường sư phạm mẫu giáo, sư phạm cấp I, cấp II đào tạo những nhà giáo tương lai cho quê hương miền núi.
Tân Kỳ dang rộng vòng tay đón nhận hơn 2 vạn đồng bào các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ra sơ tán và hơn 1 vạn nhân dân từ các huyện đồng bằng lên xây dựng kinh tế mới.
Cuộc sơ tán lịch sử có một không hai ấy, là một cuộc hội ngộ diệu kỳ “ấm tình đồng chí, nặng nghĩa đồng bào”, để 2 miền quê "chung hưởng ngọt bùi, san sẻ thương đau” xây đắp nên mối tình đặc biệt, chan chứa tình người để hôm nay Tân Kỳ được gọi với một cái tên trìu mến "Quê của muôn quê".
Chương trình nghệ thuật "Tân Kỳ khát vọng vươn lên". |
Trong công cuộc đổi mới, Tân Kỳ đã có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng Đảng. Từ điểm xuất phát thấp, là một huyện miền núi nghèo, kinh tế chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, Tân Kỳ đã từng bước vươn lên xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung.
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 đạt 44,2 triệu đồng, tăng 25,1 triệu đồng so với năm 2015. Huyện Tân Kỳ triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả. Đến nay đã có 16/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đã có 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP.
Với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên khoáng sản và nguồn lao động dồi dào, Tân Kỳ đang là địa bàn hấp dẫn về đầu tư phát triển kinh tế công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và nông-lâm kết hợp.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở Tân Kỳ cũng đạt nhiều thành quả đáng tự hào, tạo nên một bức tranh đa sắc màu của đất và người nơi đây.
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao Huân chương Lao động hạng nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Kỳ.
Với thông điệp đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh, chương trình nghệ thuật "Tân Kỳ khát vọng vươn lên" đã tái hiện sinh động truyền thống văn hóa, cốt cách của đất và người Tân Kỳ, mang lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.