Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tân Kỳ là một trong những địa bàn quan trọng được tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chọn làm căn cứ hậu phương. Tại đây có đường giao thông chiến lược 15A, 15B chạy qua và các cao điểm quan trọng như cao điểm 886 ở Lèn Rỏi, 159 ở dãy Bồ Bồ, 722 ở Bù Loi... Nhiều đơn vị chủ lực của Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng như các Sư đoàn 316, 224, 304, 312... đã tập kết tại Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn trước khi hành quân vào miền nam chiến đấu. Và nơi đây là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của không lực Mỹ.
Vào những năm 1965 - 1972, hầu như ngày nào Tân Kỳ cũng phải hứng chịu nhiều loạt bom, rốc-két của đế quốc Mỹ rải xuống. Dù ác liệt, quân và dân huyện Tân Kỳ ngày đó đã kiên cường chống trả. Tháng 6 năm 1966, dân và quân Tân Kỳ đã bắn rơi hai máy bay Mỹ, cùng lực lượng công binh phá 59 quả bom nổ chậm, san lấp 2.500 hố bom, sửa chữa 26 cầu, ngầm, bảo đảm hơn 100 km đường trên địa bàn huyện luôn an toàn, thông suốt. Chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, huyện đã có 382 thanh niên xung phong và 3.175 người tham gia dân công hỏa tuyến, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, hàng vạn tấn thực phẩm cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện. Ðã có 1.081 con em ưu tú của Tân Kỳ hy sinh, 1.486 người mang thương tật, 997 người nhiễm chất độc da cam...
Trong những tháng năm khốc liệt đó, địa bàn huyện Tân Kỳ còn là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học và nhiều người dân các huyện đồng bằng. Ðặc biệt, từ năm 1968 đến 1973, Tân Kỳ đã tiếp nhận, cưu mang, đùm bọc hơn ba vạn đồng bào Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị ra sơ tán. Nhân dân Tân Kỳ đã "bát cơm xẻ nửa, hạt muối cắn đôi", nhường đất, nhường ruộng, giúp cây, con giống... cho đồng bào sơ tán sớm hòa nhập, ổn định chỗ ở và sản xuất. Nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần "lá lành đùm lá rách" của đồng bào địa phương với bà con sơ tán còn ghi nhắc mãi ngày tháng nồng thắm tình người đó.
Ghi nhận thành tích của vùng đất khởi đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Ðảng và Nhà nước đã phong tặng Ðảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Về mảnh đất nơi khởi đầu cung đường huyền thoại Tân Kỳ hôm nay là đến với một vùng quê đang chuyển mình trên con đường đổi mới. Ðường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh chiến lược nay đã được nâng cấp, mở rộng. 38 km đường qua sáu xã của huyện Tân Kỳ là một lợi thế lớn cho Tân Kỳ trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... từ con đường này, huyện Tân Kỳ đã xây dựng được một hệ thống đường xương cá hoàn chỉnh dọc tuyến vừa phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh. Trong những năm qua, đời sống của người dân Tân Kỳ khởi sắc về mọi mặt. Tăng trưởng kinh tế bình quân từ 2006 đến 2008 đạt 11,2%.
Trước đây, mỗi năm Tân Kỳ chỉ sản xuất được 30 nghìn tấn lương thực, nay tăng lên 60 nghìn tấn/năm. Phát huy lợi thế về phát triển lâm nghiệp, phong trào trồng rừng nguyên liệu với các loại cây như keo lai, bạch đàn... Ðặc biệt, năm 2008, diện tích trồng rừng đạt 1.500 ha, đạt 150% so với kế hoạch. Cùng với đó là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, duy trì ổn định hoạt động các nhà máy đường, xí nghiệp sản xuất phân hữu cơ sinh học, các xưởng chế biến mủ cao-su... Nhờ có đường Hồ Chí Minh đi qua, tại thị trấn Lạt, các trung tâm thương mại - dịch vụ ngày càng liên tiếp mọc lên. Các hoạt động văn hóa - xã hội như giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32% năm 2005 xuống 25% năm 2008.
Với nhiều tiềm năng, huyện Tân Kỳ đang xây dựng và triển khai nhiều chương trình phát triển các khu công nghiệp nhỏ ở các xã Ðồng Văn, Nghĩa Dũng, Giai Xuân. Quy hoạch xây dựng nhà máy xi-măng nhằm tận dụng lợi thế về nguyên liệu và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Tiếp tục duy trì phát triển các làng nghề truyền thống như làng nghề gạch ngói Cừa ở xã Nghĩa Hoàn, mây tre đan xã Kỳ Tân, trồng dâu nuôi tằm ở xã Nghĩa Ðồng... cũng được chú trọng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cây nguyên liệu chủ lực như: cao-su, mía... tiếp tục được quy hoạch phát triển theo hướng mở rộng diện tích, tăng năng suất sản lượng. Thông qua việc phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của cột mốc số 0 và đường Hồ Chí Minh, Tân Kỳ cũng đang chú trọng phát triển văn hóa - du lịch để tưởng nhớ những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trên con đường huyền thoại này. Hy vọng với sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tổ chức tại cột mốc số 0 sẽ được tỉnh, Trung ương, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ để Tân Kỳ tiếp tục vươn lên xứng tầm với nơi khởi nguồn của con đường huyền thoại.
Bài và ảnh: Minh Thư