Trở lại Tân Kỳ...

Tân Kỳ (Nghệ An) - Km 0 của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nơi tuyến đường 15A nổi tiếng ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi qua. Từ đây, hàng vạn chuyến xe chở vũ khí, lương thực cùng với những đoàn quân ngày đêm băng qua các "tọa độ lửa" hướng về miền Nam…
0:00 / 0:00
0:00
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Km0 - đường Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ảnh: BÁO NGHỆ AN
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Km0 - đường Hồ Chí Minh tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ảnh: BÁO NGHỆ AN

NHƯNG chắc không nhiều người biết, mảnh đất này là nơi đã cưu mang, che chở cho hơn hai vạn đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10, khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ dội nhất, từ năm 1967-1972. Ngót nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày rời miền "quê chung" ấy, tôi mới có dịp quay trở lại.

Ý nghĩ trở lại Tân Kỳ thôi thúc tôi từ rất lâu, nhưng không hiểu sao mãi vẫn chưa thực hiện được, dù chỉ non trăm cây số từ Vinh với mấy ngả đường thênh thang thẳng tận tới Lạt. Phải chăng, ký ức của một đứa bé 6-7 tuổi vừa trong veo, vừa mỏng mảnh như những hạt sương mai, chạm vào sợ sẽ tan biến mất. Một vùng ký ức thương tổn và chia ly ngày thơ bé khiến tôi dùng dằng nửa không muốn nhớ lại, nửa chẳng muốn mất đi. 50 năm vật đổi sao dời… nhưng có những phần đời trở thành lịch sử.

Theo quốc lộ số 7 lên đường Hồ Chí Minh sẽ thẳng tới huyện lỵ Tân Kỳ. Đứng ở Di tích Km số 0 đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nắng hè như lửa rát mặt, chúng tôi hỏi đường, và nhanh chóng tìm đúng địa chỉ. Đó là thôn Tân Đà, xã Kỳ Tân, nằm sát đường 15A nhìn ra một vùng đồi núi trập trùng, là nơi bà con thôn Nam Hồ, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh của tôi ra sơ tán những năm từ 1967-1972.

"Anh đã nhớ đúng. Xưa thôn này thuộc xã Kỳ Sơn, sau tách xã, thành một thôn của Kỳ Tân. Đây là nơi bà con Vĩnh Linh ra sơ tán cho đến khi Quảng Trị giải phóng mới quay về. Những năm đó, có lúc Kỳ Sơn đón tới hơn năm nghìn bà con từ tuyến lửa ra, nhiều gấp ba lần số dân sở tại"-đồng chí Nguyễn Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ giải thích với tôi.

Đường về làng không còn bụi đỏ mịt mù như trong ký ức tuổi thơ, nay đã trải nhựa phẳng lì sạch sẽ. Thôn Tân Đà dẫu đã khang trang đẹp đẽ hơn nhưng vẫn khiêm nhường lẫn giữa vườn rừng rộng mênh mông, cây cối xanh um. Đây là nơi bà nội tôi lần lượt nhận được ba tờ giấy báo tử của con, là ba tôi, cô tôi và bác tôi, đều hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Và đây cũng là nơi tôi bắt đầu cuộc sống không có vòng tay cha mẹ khi mới là một đứa trẻ lên bốn.

Bởi thế với nghĩa nào đó, Tân Kỳ cũng là Km 0 của cuộc đời tôi.

Trở lại Tân Kỳ... ảnh 1
Nguồn khe Su giờ đã thành hồ thủy lợi quanh năm trong mát.

***

Kế hoạch K10 áp dụng chính sách "Mẹ ba con". Có nghĩa là một mẹ phải nuôi ba con dưới 6 tuổi mới thuộc diện đi sơ tán. Mẹ chỉ có mình tôi, nên phải gửi con cho người khác, còn mình ở lại quê hương phục vụ chiến đấu. Sau này tôi mới biết là vì quá thương đứa cháu nhỏ sớm bị bứt ra khỏi vòng tay mẹ sống cảnh "con ghép", bà nội tôi (đi sơ tán theo diện người già yếu) đã lên chính quyền xin được đưa về ở cùng…

Nơi chúng tôi ở đầu tiên là khu lán trại của thanh niên xung phong mở đường 15A vừa rời đi. Xóm Nam Hồ ấy tựa lưng vào núi, có tán rừng thâm u với những cây lim già, sum suê tỏa bóng. Những năm đầu sơ tán, sự khốc liệt của chiến tranh còn ẩn nấp đâu đó trong những dáng đi hối hả, gương mặt suy tư của người lớn. Còn chúng tôi thì vẫn hồn nhiên vô tư, lạ lẫm cùng rừng núi nơi đây với những trò nghịch ngợm của con trẻ. Nào đi lượm hạt lim đen nhánh về làm đồ chơi, nào rủ nhau ngụp lặn ở khe Su chảy từ nguồn Đá ông-Đá bà, mùa hè mát lịm và trong vắt. Lớn thêm một chút thì kéo nhau vào rừng hái măng, hái nấm, rồi xuống suối bắt cua, xúc cá, đặt ống trúm bẫy lươn.

Nhưng những ngày thanh bình nhanh chóng chấm dứt khi Mỹ tăng cường ném bom miền bắc, trong đó có tọa độ Tân Kỳ-Đường 15A, nơi có hàng vạn chuyến xe chở vũ khí, quân lương tập kết. Đó là vào khoảng năm 1971-1972. Mọi sinh hoạt đều phải chuyển sang thời chiến. Kinh nghiệm làm hầm trú bom của người dân vùng giới tuyến được phát huy cho người dân miền bắc. Ngoài những căn hầm hàm ếch, hố cá nhân hay hầm ngang đơn giản của bà con Tân Kỳ, nhà nào cũng đào hầm chữ A với những cột gỗ lớn, chắc, được kéo từ rừng về (người quê tôi quen tháo cột nhà làm cột chống hầm). Chúng tôi ngày ngày đến lớp mẫu giáo, vỡ lòng phải đi dưới giao thông hào cao quá đầu. Dù đạn bom rình rập đâu đó, bọn trẻ con vẫn không thôi được mấy trò nghịch ngợm, và thích nhất là được "lên mặt đất" để tung tăng, phóng tầm mắt thỏa thích, nhìn xa cả núi non, đồng ruộng, chân trời. Một hôm đang kéo nhau rùng rùng cả nhóm trên bờ giao thông hào ngắm trời đất, mây núi, bỗng tiếng máy bay xẹt qua đầu. Cả bọn nhảy ào xuống hào, đè lên nhau. Tôi bị ngòi bút mực đựng trong ống đế cắm vào cằm, đến nay vẫn còn vết sẹo nhỏ. Ký ức có thể phai mờ nhưng vết sẹo còn nguyên ở đó.

Ký ức tôi còn tỏ về trận bom dội trúng xóm sơ tán, mọi thứ tan hoang. Những tiếng nổ ù tai, tức ngực, mồm đầy cát, tiếng thét, tiếng khóc và những mảnh bom sắc phạt đứt cả cột nhà. Và sau đó cả xóm được chia về các gia đình ở dưới làng, cách xa "đường quan", xa cả rừng. Hai bà cháu tôi về ở cùng gia đình chú Bằng.

Chú Bằng trong tôi là người dong dỏng cao, luôn vui vẻ, hài hước, hình như là cán bộ xã, vì chú luôn đeo cái "xà-cột" bằng da và đi xe đạp. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chú nhìn ra cả khoảng vườn rừng rộng mênh mông. Phía vườn rừng ấy có những luống củ từ, củ tía cao quá đầu người xanh tốt. Trong ký ức in hằn hình ảnh bà tôi gào khóc thảm thiết dưới gốc củ mài. Sau này, bà mới kể đó là lúc nhận được giấy báo tử các con hy sinh ở quê nhà gửi ra. Vì quá đau thương nhưng không thể khóc trong nhà người ta được, bà phải trốn ra sau rừng. Không phải chỉ mình nội tôi, những ngày đó, hầu như nhà nào cũng nhận được tin báo tử của người thân từ quê hương đang mịt mù lửa đạn. Và ngày nào bà con Tân Kỳ cũng giúp dựng cái bàn thờ để bà con Vĩnh Linh có nơi hương khói bái vọng về Nam.

Nửa thế kỷ rồi, nhưng tôi vẫn mường tượng những cây củ mài, củ tía, củ từ nơi bìa rừng, bên con ngõ dẫn về nhà chú Bằng. Ngôi nhà cũ giờ đã không còn. Chúng tôi bắt chuyện một người hàng xóm. Vừa nghe nhắc đến "Vĩnh Linh, K10", ông đã dồn dập hỏi lại: "Con ai? Ở mô?". Rồi khi nghe qua vài câu vắn tắt, ông cười lớn và giang tay ôm lấy tôi: "Biết rồi, rõ rồi, đúng rồi!". Bùi ngùi, ông kể, chú Bằng đã mất nhiều năm trước, ngôi nhà cũ cạnh nhà ông cũng đã được con trai chú dỡ ra làm lại, hiện chỉ còn cái nền cũ.

Ông tên là Vũ Đức Yên, năm nay 82 tuổi, nhà chung giậu và cùng tuổi với chú Bằng. Hồi bà cháu tôi ở đó, chú Bằng là Bí thư Đoàn, còn ông là y tá xã. Bước vào khoảng sân nhà ông, tôi như khựng lại. Bên lối đi ngay sát hông nhà là một cái ràn tru (chuồng trâu) nguyên vẹn như từ trong trí nhớ hiện ra trước mắt. Cái ràn tru với những cột gỗ lim chắc chắn, phía trái và bên trên có chái cất rơm, rạ và nhiều dụng cụ làm nông… Như đọc được cảm xúc của chúng tôi, ông Yên bước lại vỗ vào cây cột: "Cái cột lim lóc có từ trước năm 67 đó. Bao nhiêu năm chiến tranh và rồi hòa bình, nhà cửa xây dựng lại nhưng cái ràn tru ni vẫn nguyên chưa sửa chi cả, còn chắc chắn lắm".

Thoáng chốc tôi thấy tim mình như thắt lại khi nhìn mấy bụi hồ tiêu thân thuộc của quê tôi xanh tốt đang thả những chùm quả nhỏ xíu bao quanh cây cột gỗ. Đúng là cây hồ tiêu của Vĩnh Linh, cách làm cây choái bằng lõi gỗ cứng cho tiêu bám của người dân vùng quê tôi. Cây tiêu ấy giờ quen thuộc trong mỗi vườn nhà người dân Tân Kỳ, là hiện thực rõ ràng trước mắt, cho tôi thấy những ký ức 50 năm trước như vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Những cây tiêu theo bước chân người Vĩnh Linh, vượt qua bao nhiêu bom đạn, thấm cả máu và nước mắt, từ nơi khói lửa Quảng Trị đã ra tới tận Tân Kỳ rồi ở lại đó cho đến ngày nay. Người Tân Kỳ truyền từ đời cha đến đời con, trồng khắp vườn, khắp rẫy và gọi là "Tiêu Vĩnh Linh".

Trong câu chuyện bên bậc cửa, ông Yên nhắc cho tôi nhớ thêm về sự kiện có ba đứa trẻ học lớp vỡ lòng (trong đó có tên tôi) trốn về Vĩnh Linh khiến nhiều cán bộ bị kiểm điểm. Chuyện là, sáng nào chúng tôi đi học cũng phải qua một đoạn "đường quan". Đường 15A hồi đó trong con mắt của đứa trẻ thật lớn. Kỳ lạ hơn là cứ mỗi buổi sáng sớm ra đều thấy bụi đỏ dâng lên ngập lút mắt cá chân, phủ lên đỏ quạch cây lá hai bên đường. Mãi về sau tôi mới lý giải được "hiện tượng" kỳ lạ này, là vì đêm xuống, khi cả làng ngủ say thì từng đoàn xe vận tải chở vũ khí và bộ đội rầm rập trên đường ra mặt trận, cuốn theo bao bụi đỏ tràn lên.

Rồi bữa ấy, chúng tôi phát hiện bộ đội giấu xe dưới tán rừng già. Chú Bằng dẫn thanh niên trong làng đào những cái hào lớn, ban ngày cho xe nấp, rồi chặt cây, cắt lá phủ lên ngụy trang để đợi đêm xuống lại lên đường. Bộ đội thì mắc võng ngủ la liệt. Chúng tôi lén đến từng chiếc xe, mê mẩn ngắm nghía. Những chiếc Zin, chiếc Gaz chất đầy thùng đạn, súng, lương khô, có những chiếc kéo tên lửa dài hơn hai chục mét. Một hôm, có đứa trong nhóm nói rằng người lớn bảo, xe nào cũng vào Vĩnh Linh cả. Nghe thế, tự nhiên tôi nhớ mẹ cồn cào, mấy năm rồi tôi chưa gặp mẹ. Thế rồi buổi chiều đi học về, ba đứa giấu sách vở bảng đen vào bụi rậm, trèo lên thùng một chiếc xe phủ bạt. Tôi không nhớ cụ thể cuộc hành trình như thế nào, nhưng ngày hôm sau, tại một trạm dừng chân chờ đêm xuống, các chú bộ đội phát hiện ba đứa trẻ trong thùng xe với tình trạng đói lả. Sau khi được các chú cho ăn no, vỗ về căn dặn, chúng tôi được gửi theo một đoàn xe không tải chạy ngược ra bắc. Hôm nay nghe ông Yên kể lại, tôi mới biết suốt mấy ngày đêm hôm ấy cả làng đi tìm chúng tôi…

Cuộc "đào thoát" của ba đứa trẻ từ nơi sơ tán để về quê mẹ không thành, bởi khi ấy Vĩnh Linh còn đạn bom khốc liệt. Quay trở lại Tân Kỳ với bà nội, tôi tiếp tục được bà con nơi đây cưu mang, che chở cho đến ngày hòa bình. Năm 1973, khi Hiệp định Paris ký kết, cùng với hơn ba vạn đứa trẻ sơ tán từ nhiều tỉnh, thành phố phía bắc theo kế hoạch K8-K10, tôi trở về quê hương lành lặn, an toàn.

Ngồi trong ngôi nhà to đẹp khang trang của con trai chú Bằng, nhìn ra khu vườn cũ, nền nhà cũ, cánh rừng cũ như vẫn mát xanh cây cối của ngày xưa. Câu chuyện của người con dâu và đứa cháu nội chú Bằng càng cho tôi hiểu, Tân Kỳ chưa một ngày nào quên bà con Vĩnh Linh. Cũng như ký ức của tôi, dù khi ấy mới chỉ là đứa trẻ, mà sao còn vẹn nguyên rõ ràng đến thế, chỉ cần vén nhẹ lớp sương mờ che phủ là hiện ra. Đó là một phần lịch sử của đất nước, của quê hương tôi. Trong suốt 5 năm (1967-1972), người Tân Kỳ đùm bọc người Vĩnh Linh, cũng chung đau nỗi đau mất người thân ở quê nhà; cùng chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ, sắt son tình nghĩa đồng bào. Đã tròn nửa thế kỷ nhưng bà con nơi đây vẫn gìn giữ ký ức, nâng niu dấu ấn mà người Vĩnh Linh để lại. Ngọn đồi nơi lán trại chúng tôi sơ tán được đặt tên là "đồi Vĩnh Linh". Nhiều kinh nghiệm canh tác của bà con Vĩnh Linh được người Tân Kỳ áp dụng hiệu quả một thời, như dùng cày 51, cấy lúa chăng dây. Hay nhiều món ăn dân dã mang tên Vĩnh Linh đã trở thành quen thuộc với người Tân Kỳ suốt thời gian khó, như "béng sắn", khoai khô. Đặc biệt là ý chí, nghị lực của người "lũy thép" thì vẫn được lưu mãi, thấm sâu và cộng hưởng với cái chất nguyên sơ hồn hậu của con người nơi đây, trở thành nét đẹp của một miền quê không dễ nơi nào có được. Bởi thế, người Vĩnh Linh vẫn gọi Tân Kỳ là "quê chung".

Khi biết chúng tôi từ Vĩnh Linh tới, các đồng chí cán bộ xã tất bật chạy từ trụ sở về làng, tay bắt mặt mừng xúc động. "Các anh lặn lội về đây, chúng em mừng lắm. Mấy năm trước chúng em vào Vĩnh Linh, nghe là có cán bộ Tân Kỳ vào, bà con đón tiếp như ruột thịt đi xa lâu ngày về thăm. Buổi sáng ngủ dậy mở mắt nhìn ra cửa đã thấy bà con ngồi chờ để thăm hỏi. Cứ nghe nói "người Tân Kỳ" là ôm chầm lấy, mừng mừng, tủi tủi. Còn lớp trẻ Tân Kỳ chúng em hôm nay được nghe cha anh kể lại vô cùng khâm phục nghị lực của bà con Vĩnh Linh. Chỉ với cây cuốc, con rựa mà một người mẹ có thể vỡ cả ngọn đồi hoang để trồng khoai, trồng sắn nuôi cả đàn con"-đồng chí Trịnh Huy Toàn, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân nói với chúng tôi.

Câu chuyện Tân Kỳ-Vĩnh Linh sẽ còn nhiều điều để kể từ ký ức của những đứa trẻ thời ấy, như tôi.

Lần này, chỉ mới là những bước chân đầu tiên "trở về"…