Nghệ An bảo đảm đủ nguồn cung xăng, dầu

NDO - Mặc dù thị trường xăng dầu đang có diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, nhưng tại Nghệ An hiện vẫn đang bảo đảm đủ nguồn cung xăng, dầu, không có hiện tượng các cửa hàng xăng, dầu đóng cửa, ngừng bán hàng hoặc găm hàng...
0:00 / 0:00
0:00
Mua bán xăng dầu diễn ra bình thường ở cửa hàng xăng dầu số 2 đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh.
Mua bán xăng dầu diễn ra bình thường ở cửa hàng xăng dầu số 2 đường Lê Hồng Phong, thành phố Vinh.

Các đơn vị cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đều đã chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu, đáp ứng đủ lượng tiêu thụ trên thị trường.

Không có hiện tượng đóng cửa, ngừng bán hàng

Chúng tôi có chuyến thị sát từ thành phố Vinh ngược ra Diễn Châu, theo Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 lên các huyện miền núi phía tây Nghệ An, thấy việc mua bán tại các cửa hàng xăng, dầu đều diễn bình thường; phương tiện vào mua xăng, dầu thoải mái, không có hiện tượng cửa hàng bán hạn chế số lượng hay treo biển hết hàng. Tuyệt nhiên không có tình trạng người dân ùn ùn đưa phương tiện hoặc mang theo các thùng, can kéo đến các cửa hàng để tranh nhau mua xăng, dầu…

Tại cửa hàng xăng, dầu 11 thuộc Công ty Xăng, dầu Nghệ An ở số 2, đường Lê Hồng Phong, phường Hưng Bình (thành phố Vinh) các phương tiện vào đổ xăng, dầu bình thường.

Ông Nguyễn Tiến Nam, lái xe tải ở thành phố Vinh, cho biết: Trước tình hình thiếu xăng, dầu tại một số địa điểm ở một số tỉnh, thành phố, chúng tôi cũng lo lắng, nhưng khi đến đổ dầu ở cửa hàng này vẫn đổ đầy bình và nhân viên khuyên người mua không cần phải mua tích trữ vì trong bể còn nhiều dầu, nên mọi người đều yên tâm. Một nhân viên cửa hàng này còn cho biết: Thời gian qua, có tin một số cửa hàng xăng, dầu ở các tỉnh phía nam thiếu xăng, dầu cục bộ, nhưng cửa hàng chúng tôi vẫn bảo đảm có đủ xăng, dầu bán cho khách hàng.

Cách tổng kho xăng dầu ở thành phố Vinh hơn 250km, các cửa hàng xăng, dầu tại thị trấn Mường Xén và vùng lân cận của huyện biên giới rẻo cao Kỳ Sơn vẫn hoạt động bình thường. Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng, dầu thương mại thị trấn Mường Xén Hồ Xuân Hồng, cho biết: Cũng như các đơn vị khác trong huyện, cửa hàng chúng tôi vẫn đang đáp ứng đủ xăng, dầu cho khách hàng. Trong bể chứa lúc nào cũng có vài nghìn lít xăng, dầu. “Do nguồn cung hạn chế, vận chuyển xa xôi, cho nên có những thời điểm cửa hàng thiếu một mặt hàng xăng hoặc dầu trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ do đơn vị phân phối chưa kịp vận chuyển lên. Hiện nay, mỗi đợt vận chuyển hàng lên, nhà phân phối cấp 10.000 lít xăng, dầu nên không lo thiếu hàng”, ông Hồ Xuân Hồng cho biết thêm.

Công ty Xăng, dầu Nghệ An thuộc Tập đoàn Petrolimex là doanh nghiệp chủ lực cung ứng xăng, dầu trên địa bàn Nghệ An, khi hằng tháng cung ứng khoảng 55% thị phần xăng, dầu toàn tỉnh.

Theo Phó phòng Kinh doanh (Công ty xăng dầu Nghệ An) Trần Đình Thái: Thời gian qua, 100% cửa hàng bán lẻ của công ty được cung ứng đầy đủ nguồn hàng theo yêu cầu. Đối với 156 cửa hàng xăng, dầu nhượng quyền của doanh nghiệp, đơn vị căn cứ vào số lượng bình quân ba tháng trước liền kề để cấp hàng. Nếu trường hợp cửa hàng báo hết hàng thì công ty cử người đến kiểm tra; đúng thực tế sẽ tiến hành cung ứng ngay lập tức, không để đứt gãy nguồn hàng. Để chủ động trong việc cung ứng bảo đảm nguồn hàng, công ty đã thường xuyên tổng hợp nhu cầu xăng, dầu hằng tháng của các cửa hàng để đăng ký nguồn hàng với Tập đoàn... Nhờ Tập đoàn bảo đảm nguồn cung, cho nên từ đầu năm 2022 đến nay, không có cửa hàng xăng, dầu của khách hàng công ty phải đóng cửa do thiếu nguồn. Thời gian tới, công ty vẫn sẽ bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn hàng xăng, dầu cho thị trường như bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu trực thuộc, khách hàng công nghiệp và hệ thống phân phối - lãnh đạo Công ty Xăng dầu Nghệ An cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Cao Minh Tú cho biết: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có gần 700 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu vẫn hoạt động bình thường; Chưa có cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn hàng. Tuy nhiên, do nguồn hàng khan hiếm, phải cung ứng hạn chế hơn, cho nên thời gian qua, xuất hiện tình trạng, một số cửa hàng xăng dầu kinh doanh gián đoạn cục bộ do việc vận chuyển xăng dầu từ thương nhân cấp hàng bị quá tải, nên việc cấp hàng bị chậm trễ…

Do nguồn hàng khan hiếm, phải cung ứng hạn chế hơn, cho nên thời gian qua, xuất hiện tình trạng, một số cửa hàng xăng dầu kinh doanh gián đoạn cục bộ do việc vận chuyển xăng dầu từ thương nhân cấp hàng bị quá tải, nên việc cấp hàng bị chậm trễ…

Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Cao Minh Tú

Để giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, Cục quản lý thị trường Nghệ An đã triển khai các hoạt động nghiệp vụ liên quan. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Cục đã khẩn trương tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận các thông tin phản ánh của nhân dân qua đường dây nóng, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng tại địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.

Nghệ An bảo đảm đủ nguồn cung xăng, dầu ảnh 1

Kho xăng dầu của Công ty Xăng dầu Nghệ An tại thành phố Vinh có sức chứa là 58.500 m3 luôn bảo đảm nguồn hàng.

Tiếp tục bảo đảm nguồn cung

Trước tình hình biến động của nguồn cung ứng xăng, dầu, nhất là áp lực khan hàng hóa và nhu cầu tăng đột biến, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng, dầu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn.

Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường đã làm việc với các thương nhân đầu mối và phân phối xăng, dầu trên địa bàn, đề nghị các doanh nghiệp này chủ động phương án và cam kết bảo đảm nguồn cung và đáp ứng đủ lượng tiêu thụ để không có cửa hàng hay đại lý nào phản ánh thiếu hàng trên địa bàn Nghệ An.

Theo đó, các thương nhân đầu mối và phân phối đã cam kết vẫn bảo đảm cung ứng 58.000-62.000m3/tháng như trước đây. Cụ thể, Công ty Xăng dầu Nghệ An đáp ứng khoảng 32.000-33.000m3 xăng, dầu/tháng; Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức khoảng 20.000-22.000m3 xăng, dầu/tháng; các thương nhân khác khoảng 6.000-7.000m3 xăng, dầu/tháng.

Mới đây, Sở Công thương Nghệ An vừa có Công văn số 1953/SCT-QLTM, chỉ đạo việc bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Cục Quản lý thị trường, UBND cấp huyện tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn. Không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, các thương nhân đầu mối, phân phối xăng, dầu tiếp tục chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường; duy trì hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu không làm đứt gãy hay gián đoạn nguồn cung. Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối của đơn vị nào ngừng bán hàng do hết hàng thì đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xăng dầu, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Cao Minh Tú, Chính phủ và các bộ liên quan cần xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu; rà soát, điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước, trong giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu vào các kỳ điều hành giá xăng, dầu để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng, dầu. Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, giảm bớt chi phí tài chính.

Hiện, một số thương nhân phân phối trên địa bàn Nghệ An gặp khó khăn về nguồn cung, không mua được hàng từ các thương nhân đầu mối để cung cấp cho hệ thống, đề nghị Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo các thương nhân đầu mối và phân phối xăng, dầu ở các địa phương khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn hàng...