Gỡ nút thắt nguồn cung xăng, dầu

Theo chuyên gia, việc đứt gãy nguồn cung xăng, dầu nếu không nhìn thẳng vào thực tế thì không thể xử lý bình ổn được. Cần có những giải pháp cấp bách mang tính tổng chỉ huy, các bộ, ngành cùng “xắn tay vào” thì mới gỡ được nút thắt xăng dầu, chấm dứt tình trạng thiếu xăng.
0:00 / 0:00
0:00
Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã hoạt động trở lại. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đã hoạt động trở lại. Ảnh: NGUYỆT ANH

Xăng, dầu vẫn khan hàng

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực I cho hay, nguồn cung hàng vẫn khan hiếm dù chi phí kinh doanh đã được điều chỉnh, cập nhật vào giá cơ sở tại kỳ điều hành ngày 11/11.

“Chúng tôi vẫn phải lấy hàng với chiết khấu 0-50 đồng mỗi lít. Hàng nhập được ít nên khi vừa về, chia cho các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống, mỗi nơi bán được trong nửa ngày hoặc nhiều nhất một ngày lại tạm hết”, ông nói.

Chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam được Bộ Tài chính tăng thêm 290-560 đồng với xăng và dầu là 160-660 đồng/lít từ ngày 11/11. Nhưng theo các đơn vị kinh doanh, mức chi phí vừa được điều chỉnh của cơ quan quản lý vào giá cơ sở vẫn chưa phản ánh đúng, đủ thực tế.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, việc nâng chi phí như tính toán của Bộ Tài chính thực chất là chưa đủ so với thực tế, nên bây giờ tính bù vào khoảng thâm hụt đơn thuần về phí vận chuyển. Việc bù đắp chi phí như vậy là tốt, giúp gỡ khó cho thị trường xăng, dầu, nhưng về lâu dài chưa giải quyết được hết các khâu phân phối xăng, dầu có liên quan, làm ảnh hưởng đến thiếu hụt xăng, dầu.

Để giải quyết dứt điểm những bất cập, theo TS Giang Chấn Tây, điều quan trọng phải tính lại công thức giá cơ sở, xác định lại cả chi phí khâu bán lẻ và lợi nhuận định mức cho khâu bán lẻ.

Theo vị này, hiện công thức tính của liên bộ chỉ đúng và áp dụng được khi giá luôn luôn tăng. Lúc giá xăng, dầu giảm, lẽ ra người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi, ngược lại phải chịu cảnh thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng, dầu. Về công thức tính giá cơ sở, cần lấy giá thành thực tế bình quân của doanh nghiệp đầu mối báo cáo về liên bộ trước khi chuẩn bị điều chỉnh giá bán lẻ. Tiếp đó, có thể chọn 15 doanh nghiệp hoạt động ổn định và thường xuyên nhất cộng chung lại, chia cho 15 sẽ ra giá thành bình quân chung của một lít xăng cơ bản nhất. Hoặc do Bộ Công thương thu thập thống kê giá xăng, dầu và tự định mức chi phí kinh doanh trên cơ sở chi phí thực tế mà doanh nghiệp đầu mối báo cáo, nhưng không nhỏ hơn chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, có thời gian điều chỉnh chi phí không quá 60 ngày để bảo đảm chi phí định mức gần sát với thực tế.

Giá trị hàng tồn kho phải được tính theo bình quân gia quyền để đưa vào giá vốn ít nhất 30 ngày phát sinh trước đó. Bởi bất kỳ doanh nghiệp nào khi nhập hàng phải mất thời gian (hàng tháng) mới đưa xăng, dầu vào phân phối lưu thông, sử dụng; doanh nghiệp nào cũng có lượng hàng tồn kho cần được tính đúng, tính đủ giá trị khi kết chuyển vào giá vốn theo đúng nguyên tắc và Luật Kế toán, nếu không sẽ lời giả mà lỗ thật.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp về vốn

Bên cạnh đó, theo TS Giang Chấn Tây, đã đến lúc cần hỗ trợ tín dụng rõ ràng hơn đối với các mặt hàng bình ổn. Đặc biệt, cần có chỉ thị cho các ngân hàng ổn định lãi suất cho vay đối với các mặt hàng bình ổn, nhất là mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể hơn là cố định lãi suất đối với các doanh nghiệp này. Hiện nay, thanh toán xăng, dầu nếu vay để trả tiền hàng tất cả đều chuyển khoản. Do vậy, việc hỗ trợ lãi suất sẽ rất chính xác về số tiền và đúng đối tượng áp dụng, rất dễ thực hiện.

“Đối với các doanh nghiệp đang lỗ cần yêu cầu ngân hàng cho vay để khắc phục lỗ, chứ không nên thấy doanh nghiệp lỗ rồi bỏ mặc cho doanh nghiệp tự giải quyết”, ông nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc đứt gãy nguồn cung xăng, dầu nếu không nhìn thẳng vào thực tế thì không thể xử lý bình ổn được. Cần có những giải pháp cấp bách mang tính tổng chỉ huy, các bộ, ngành cùng “xắn tay vào” thì mới gỡ được nút thắt xăng, dầu, khơi thông nguồn cung.

Thứ nhất cần cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng, dầu, không chỉ những thị trường có thuế suất ưu đãi mà cả những thị trường có thuế suất không ưu đãi và chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung. Đi liền với nó là tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng bám sát những thay đổi của thực tế chi phí, giá thị trường (premium, tỷ giá, chi phí vận chuyển…).

Thứ hai, điều chỉnh ngay các chi phí liên quan kinh doanh xăng, dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỷ giá; chi phí đưa xăng, dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng, dầu.

Thứ ba, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng, dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí.