Thế nhưng, có một thực tế đã trở thành một thách thức: Đó là cần phải ngăn chặn và chống lại “sự nhiễm lạnh của tổ ấm gia đình” thì không thể chỉ là một đợt hưởng ứng hay một chiến dịch ngắn hạn. Chống sự nhiễm lạnh và làm mới tổ ấm gia đình là một quá trình cần sự nỗ lực và cố gắng bền bỉ của mỗi thành viên trong tổ ấm...
Guồng quay của cuộc sống đương đại ngày một nhanh hơn. Không chỉ người nghèo mà ngay cả người khá giả cũng mải miết lao theo cơn gió bụi của sinh nhai, sự nghiệp. Có những người bố sáng lên đường sớm, đêm về muộn, vì sợ tắc đường, vì công việc bề bộn. Có những người vợ chỉ kịp hôn chồng lúc rạng sáng. Với những người cha không nhìn thấy mặt trời, với những người mẹ có nụ hôn vội vã, như vậy, phần của các con họ sẽ còn lại được gì? Có còn thời gian để thấu hiểu, để thương yêu?
Có một thực tế đã trở thành một thách thức: Đó là cần phải ngăn chặn và chống lại “sự nhiễm lạnh của tổ ấm gia đình” thì không thể chỉ là một đợt hưởng ứng hay một chiến dịch ngắn hạn. Chống sự nhiễm lạnh và làm mới tổ ấm gia đình là một quá trình cần sự nỗ lực và cố gắng bền bỉ của mỗi thành viên trong tổ ấm...
Báo chí từng đưa thông tin về những người mẹ của những can phạm vị thành niên bị bắt vì hành vi giết người. Họ bán bánh khoai, bánh chuối, lang thang qua các vỉa hè. Nơi tá túc thuê được cũng lênh đênh theo chiếc bếp lò đỏ lửa trong đêm, đậu nhờ vào các ngõ phố. Những cuốn sách dạy về kỹ năng sống ngày càng nhiều trên giá sách. Những lớp học mở ra ngày càng nhiều hơn để dạy người ta sống sót sau công việc, kiểm soát thời gian và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Nhưng có cuốn sách nào cho những người mẹ như thế? Lớp học nào tái sinh được cuộc mưu sinh thường nhật của người mẹ vật lộn đến tận quá nửa đêm, qua năm qua tháng? Để rồi khi mọi chuyện xảy ra, người mẹ chỉ biết khóc vì tủi cực và luôn miệng hỏi một câu bất lực: Tôi biết làm sao bây giờ?!
Gia đình đang nhiễm lạnh khi những thành tố đang rời xa nhau. Và đôi khi nhìn vào những tổ ấm bình thường là vậy nhưng bên trong, tổ ấm không còn ấm. Có những con thuyền phiêu dạt là trẻ bụi đời đường phố. Có những con thuyền đang ở trong bến nhưng không hề neo đậu, là những trẻ em trong các gia đình đang... nhiễm lạnh. Một khi bão táp ập đến, có thể là cơn bão của cạm bẫy đường phố, cũng có thể là cơn bão của sự đảo lộn các giá trị làm rối hành vi của các em, mà cũng có thể đơn giản đó là bão tố từ “thế giới” cõi mạng hoang dã, nhiều hoa thơm trái ngọt nhưng cũng lắm nấm độc, cỏ dữ, đủ sức làm co rút đến tê dại những em bé ngác ngơ.
Với tổ ấm gia đình trẻ, thường dăm ba năm sau khi kết hôn, khá nhiều đã không duy trì được hạnh phúc như thuở ban đầu. Sự nhiễm lạnh và dần nguội lạnh đến từ nhiều lý do, đặc biệt là khi có những sự việc không được như ý ập đến bất ngờ, dễ xuất hiện rạn nứt, mâu thuẫn, bất đồng. Ngăn và chống nhiễm lạnh cho tổ ấm chính là việc mang đến sức sống mới, bền chặt cho mối quan hệ giữa vợ chồng và con cái, để mọi thành viên cảm thấy yêu thương và gắn kết hơn. Với vợ chồng - hai thành tố cột trụ và mái nhà của tổ ấm - có thể đó chỉ là những khoảnh khắc dành cho nhau sự riêng tư ít ỏi giữa quỹ thời gian bận rộn vì con cái. Song “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”- bao nhiêu gia đình là từng ấy thế giới riêng với những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Không thể học hỏi nhau hay áp dụng tư vấn của sách vở, thậm chí là chuyên gia tâm lý, theo kiểu rập khuôn, máy móc.
Để giữ cho tổ ấm không bị nhiễm lạnh, yếu tố chính là sự tin tưởng, vun đắp, thấu hiểu và thương yêu từ mọi thành viên. Chống nhiễm lạnh cho tổ ấm là một hành trình dài, bền bỉ và luôn bắt đầu bằng những hành động nhỏ mỗi ngày và cần sự cố gắng từ mọi thành viên. Điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn, tỉnh thức của mỗi cá nhân con người, để sống sao cho ít đau đớn và an toàn hơn.