Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình ở Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Gia đình là nơi duy trì nòi giống và cũng là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: QUANG VINH)
(Ảnh: QUANG VINH)

Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, chi phối nhận thức và hành vi của mỗi thành viên, đặt nền móng cho sự phát triển của gia đình trong hiện tại và tương lai. Kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca của dân tộc có nhiều câu đúc rút giá trị truyền thống gia đình: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"; "Giấy rách phải giữ lấy lề"; "Ðói cho sạch, rách cho thơm"...

Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và phát huy trong giai đoạn hiện nay. Lịch sử đã chứng minh, một khi có sự đoàn kết từ trong gia đình, dòng họ đến rộng hơn là toàn dân, thì một dân tộc dù nhỏ yếu hơn vẫn chiến thắng giặc ngoại xâm cường bạo.

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như triển khai các giải pháp để xây dựng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định: "Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" khẳng định: "Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như triển khai các giải pháp để xây dựng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực từ giao lưu hội nhập và tiếp thu sự đa dạng văn hóa… đang có nguy cơ "đánh thức" những tính xấu trong nhiều người, làm biến đổi giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống gia đình hiện đại. Nó giúp gia đình không rơi vào khủng hoảng khi mà các giá trị mới đang hình thành và chưa xác định được vị trí trong đời sống hiện đại. Những di sản của gia đình truyền thống vẫn có tác dụng củng cố sự bền vững của gia đình, ngay cả trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, di cư lao động.

Nhằm củng cố sự bền chặt, gắn bó gia đình, dân tộc ta có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, đề cao giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tâm lý "lá rụng về cội" được người Việt duy trì và phát huy. Mỗi gia đình, dòng họ có ban thờ tổ tiên, mỗi địa phương đều có đền, đình thờ danh nhân; cả nước có Lễ hội Ðền Hùng... Ðó đều là những hoạt động chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" vẫn giữ nguyên giá trị.

Ðể giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Hệ thống nhà trường, từ mầm non đến đại học; hệ thống thiết chế văn hóa từ cơ sở đến Trung ương… tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất nội dung giáo dục con người Việt Nam truyền thống mà hiện đại, từng bước hình thành nhân cách tốt đẹp, bản lĩnh hội nhập cho mỗi công dân.

Chính quyền các cấp, cần không ngừng chăm lo phát triển kinh tế cho hộ nghèo, để gia đình trở thành khối vững chắc, là hạt nhân quan trọng của xã hội; là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, là động lực để xây dựng và bảo vệ đất nước.