Vùng ngọt hóa Gò Công tiếp giáp biển và là nơi chịu tác động trực tiếp do hạn, mặn gây ra hằng năm ở tỉnh Tiền Giang. Khi độ mặn tăng cao và lấn sâu vào nội đồng cũng là lúc hệ thống các cống đóng chặt lại. Nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong nhân dân ngày càng cạn kiệt đi. Đó cũng là lúc, bộ phận vận hành cống huy động toàn bộ lực lượng và hoạt động ngày đêm để mong lấy từng đợt nước ngọt cung cấp vào bên trong nội đồng.
Tranh thủ từng con nước
Vùng ngọt hóa Gò Công bao gồm: Gò Công Tây, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và một phần huyện Chợ Gạo. Khu vực này có diện tích tự nhiên 54.400ha, trong đó, đất sản xuất hơn 45.500ha. Toàn vùng chỉ lấy nước ngọt độc đạo qua cống Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo.
Nhân viên đo độ mặn tại miệng cống khi lấy nước ngọt vào. |
Những ngày giữa tháng 2/2023, độ mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến bất thường và lấn sâu vào nội đồng. Lúc này, với sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, ngành nông nghiệp đã yêu cầu bộ phận vận hành cống Xuân Hòa huy động toàn bộ lực lượng của vùng về tập trung tại đây để thay phiên vận hành cống, mong ngăn nước mặn tràn vào và tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
14 giờ ngày 22/2, độ mặn đo được tại cửa cống Xuân Hòa đã giảm từ 1,4g/l xuống còn 0,7g/l. Lúc này, lãnh đạo vận hành cống yêu cầu tất cả anh em trong kíp trực tập trung đo độ mặn thường xuyên để chờ nguồn nước ngọt đến.
Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi độ mặn dần về 0,3g/l và thủy triều tăng dần, Phó Giám đốc Chi nhánh thủy nông Gò Công Nguyễn Đỗ Thông yêu cầu 10 người trong kíp trực trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, vào vị trí và sẵn sàng vận hành cống khi nguồn nước đo được tại miệng cống là 0,0g/l, mực nước bên ngoài cao hơn phía trong nội đồng.
Vận hành máy để mở miệng cống lấy nước ngọt vào nội đồng. |
Mặc dù còn rất mệt do canh cống lấy nước ngọt suốt đêm trước, anh em vẫn tranh thủ vào vị trí. Mỗi người một việc. Người thì liên tục đo độ mặn của nước. Người thì điều khiển máy nâng thủy lực của các cửa cống. Người canh cống…. Sau khi được lệnh, 4 cửa cống dần dần được mở lên để nguồn nước ngọt từ bên ngoài chảy cuồn cuộn vào nội đồng.
Sau hơn 4 giờ vận hành, mực nước đầu nguồn trong nội đồng rất cao. Chỉ huy vận hành cống yêu cầu đóng 2 cửa để tránh ngập cục bộ nhà, vườn cây ăn trái của bà con nông dân. Trời đã tối sậm, mực nước bên trong và bên ngoài cân bằng nhau nên tất cả cửa cống đều đã đóng chặt lại. Sau hơn 6 giờ vận hành, nguồn nước ngọt lấy vào bên trong nội đồng hơn 1,5 triệu m3.
Cả kíp trực ăn vội bữa cơm tối rồi nằm nghỉ ngơi đợi con nước triều lúc 3 giờ sáng hôm sau. Mặc dù mệt nhọc, họ vẫn phân công kiểm tra độ rò rỉ nước mặn từ bên ngoài vào bên trong, đo độ mặn phía bên ngoài cửa cống… Đồng chí Nguyễn Đỗ Thông tâm sự: “Hằng năm, độ mặn tăng cao và uy hiếp cống Xuân Hòa thì chúng tôi được huy động toàn bộ lực lượng về tập trung tại đây để vận hành cống. Mỗi người mỗi việc. Quy trình hằng ngày vẫn như nhau và phụ thuộc vào con nước, nguồn nước ngọt bên ngoài. Có năm, hạn mặn diễn biến bất thường và kéo dài, chúng tôi trực ở cống này hơn 5 tháng trời”.
Đo độ mặn vào ban đêm. |
Bảo đảm nguồn nước ngọt
Vùng ngọt hòa Gò Công là một hệ thống công trình thủy lợi liên hoàn độc lập và khép kín. Về hệ thống cống có 92 công trình lớn nhỏ, trong đó, 4 công trình đầu mối là: cống Xuân Hòa (chiều rộng thông nước 32m), cống Vàm Giồng (16m); cống Gò Công (16m), cống Long Uông (8m). Đặc biệt, năm 2018, cống Xuân Hòa đã được đầu tư hệ thống cửa lấy cưỡng bức rất thuận lợi cho việc lấy nước ngọt trong mùa khô.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa của dự án này, trong những năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang đã xây dựng mạng lưới quan trắc mặn trên các tuyến sông Vàm Cỏ và kênh Chợ Gạo, sông Cửa Tiểu để phục vụ vận hành lấy nước qua cống chủ lực Xuân Hòa.
Mạng lưới đo mặn sẽ tiến dần hoặc lùi dần để nắm được diễn biến theo giới hạn 1g/l, 2g/l. Theo đó, trên sông Tiền, công ty quan trắc mặn tại bến đò Rạch Vách, bến đò Cá Chốt, Hòa Định, đập Lò Gạch, Cầu Tám Biết. Trên sông Vàm Cỏ Tây, kênh Chợ Gạo, công ty đặt quan trắc mặn tại bến đò Ninh Đồng, cống Số 1 (Sông Tra), cầu Chợ Gạo, Ủy ban nhân dân xã Xuân Đông, bến đò Xuân Đông. Bên cạnh đó, công ty còn bố trí thêm những điểm đo mặn phục vụ thông báo mặn như: cống Gia Thuận, Rạch Băng, số 3 (Sông Tra), Vàm Kênh, Long Hải.
Nhân viên đo độ mặn tại cửa cống Xuân Hòa trước khi lấy nước ngọt vào. |
Có thể nói, việc đặt mạng lưới quan trắc chằng chịt nên nước mặn xâm nhập từ sông, biển vào đồng ruộng trong mùa khô ở các huyện, thị phía đông đã được ngăn chặn. Lượng nước ngọt lấy từ sông vào qua các cống bảo đảm đủ để đáp ứng nhu cầu canh tác, sinh hoạt bình quân 10 tháng/năm (trừ tháng 3 và 4). Khi độ mặn nước kênh tại vị trí cống đầu mối Xuân Hòa vượt quá mức cho phép, cống phải đóng cửa để ngăn mặn. Chính điều này đã góp phần quan trọng để tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng lương thực.
Sản lượng lúa năm 1976 tại vùng ngọt hóa Gò Công là 110.000 tấn, năm 2022 trên 550.000 tấn, tăng khoảng 5 lần. Thêm vào đó, việc có nước ngọt đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để đa dạng hóa cây trồng, làm phong phú thêm hệ thực vật tại đây. Đó là những nhân tố chính góp phần gia tăng thu nhập của nông hộ ở vùng này trong những năm qua. Chính vì vậy, dự án Ngọt hóa Gò Công đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là thành công nhất ở đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm này.
Là một trong những người gắn bó lâu năm với dự án Ngọt hóa Gò Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Ưng Hồng Nghi cho biết, sau nhiều năm xây dựng và vận hành, dự án đã đáp ứng rất tốt nhiệm vụ ngăn mặn, ngăn triều cường, giữ và dẫn nước ngọt; tiêu úng, cấp nước sinh hoạt, kết hợp phát triển giao thông thủy và nuôi thủy sản. Công trình đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Đặc biệt, việc vận hành các cống đã nâng cao nguồn nước trong nội đồng, giúp người dân giảm chi phí bơm tát trong quá trình sản xuất hàng tỷ đồng/năm và gia tăng diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng cây trồng…
Độ mặn đo được cách miệng cống Xuân Hòa khoảng 200m. |