Ngành xuất khẩu tỷ USD “ngấm đòn” Covid-19

NDO -

Dịch bệnh khiến doanh nghiệp chưa thể mở lại sản xuất, hoặc mở lại cầm chừng. Tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu nhân lực sản xuất gây nên việc chậm đơn hàng và khách hàng buộc phải chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác. Đây là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đang phải đối diện.

Ngành da giày không thể tăng sản xuất để đáp ứng hết đơn hàng cho các đối tác.
Ngành da giày không thể tăng sản xuất để đáp ứng hết đơn hàng cho các đối tác.

Doanh nghiệp gặp khó trăm bề

Những ngày này, Công ty TNHH May mặc Dony (TP Hồ Chí Minh) đang "ngồi trên đống lửa" vì nguy cơ mất đơn hàng cho mùa mua sắm cuối năm. Nguyên nhân là bởi quy định “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp không thể phát huy hết công suất do không đủ nhân lực làm việc.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, hiện chỉ có 1/3 công nhân công ty tham gia sản xuất, đạt khoảng 20% công suất. Cuối tháng 8, Công ty TNHH May mặc Dony đã phải nộp danh sách bổ sung nhân lực sản xuất “3 tại chỗ”, song số lượng nhân lực này cũng chưa thể đáp ứng hết đơn hàng. Những quy định chặt chẽ về phòng chống dịch đã khiến tiến độ giao hàng của doanh nghiệp chậm một tháng so với hợp đồng và nếu không thể khắc phục, đối tác sẽ chuyển đơn hàng sang quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu hàng thời trang cuối năm.

Ngành xuất khẩu tỷ USD “ngấm đòn” Covid-19 -0
Doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn. 

Một doanh nghiệp may mặc khác ở Đồng Nai là Công ty CP Đồng Tiến (TP Biên Hoà) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi không thể sản xuất bởi tất cả các phường, xã của Biên Hòa đều đang thuộc vùng đỏ. Dù doanh nghiệp đã nỗ lực đăng ký, tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19 cho lao động, đồng thời thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng chỉ bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất với khoảng 10% nhân lực. Có tiền nhưng không thể mua nguyên liệu để tái khởi động sản xuất, công ty đã lỡ nhiều đơn hàng của đối tác. Thiệt hại về kinh tế trước mắt là không nhỏ, nhưng những thiệt hại về lâu dài mới đáng nói khi nguy cơ mất bạn hàng, mất thị trường đang hiện hữu. Những nỗ lực nhiều năm của doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể “đổ sông đổ bể”.

Với ngành hàng da giày, tình trạng rút đơn hàng của đối tác cũng trầm trọng không kém. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam thông tin, thống kê của Hiệp hội một tháng trước cho thấy, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%. Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng. Như vậy, ít nhất 6 tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã rời khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc, Indonesia… 

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng những biện pháp phòng dịch chặt chẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến hai ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của nước ta là dệt may và da giày, đặc biệt trong hơn một tháng trở lại đây. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, vẫn tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, riêng trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.

Tương tự, với da giày, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 8/2021, trị giá xuất khẩu giày dép các loại giảm tới 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, doanh nghiệp những ngành hàng tỷ USD như dệt may, da giày đã mất nhiều thời gian để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng là những mắt xích trong một chuỗi cung ứng, có doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu, có doanh nghiệp may gia công, có doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm… Tuy nhiên, những quy định phòng chống dịch chặt chẽ và thậm chí thiếu nhất quán của các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp phía nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, doanh nghiệp ngành may phải có nguyên liệu mới sản xuất được. Nhưng những quy định về vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khiến nhiều doanh nghiệp nguyên liệu không thể xuất hàng đến các doanh nghiệp may mặc ở địa phương khác, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa. Ngược lại, những quy định về “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp may mặc phải giảm công suất, giảm lượng mua nguyên phụ liệu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nguyên phụ liệu.

“Tính trung bình, 19 tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16 chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn”, ông Hải chỉ rõ.

Giải pháp nào cho những tháng cuối năm?

Về triển vọng phục hồi sản xuất, xuất khẩu dệt may, da giày thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, những tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Không ít khách hàng đã chuyển đơn hàng đi nước khác và tình trạng thiếu nhân công do nhiều lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu cuối năm nay mà cả những tháng đầu năm 2022.

Ngành xuất khẩu tỷ USD “ngấm đòn” Covid-19 -0
Nếu được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp sẽ đáp ứng được đơn hàng những tháng cuối năm. 

Để tháo gỡ khó khăn, tái sản xuất, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng, vaccine phòng Covid-19 vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện ngoại giao vaccine và nỗ lực mua thêm vaccine mới đang nhận được sự kỳ vọng lớn của doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, nên ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các ngành nghề xuất khẩu tỷ USD này để tạo điều kiện tái sản xuất, tái mở cửa nền kinh tế.
 
Ngoài vaccine, bà Phan Thị Thanh Xuân đề xuất, ngành y tế nên có hướng dẫn để doanh nghiệp chủ động hơn về phòng chống dịch. Cụ thể, các doanh nghiệp đang rất cần trợ giúp, tư vấn về trang bị y tế tại chỗ, trang bị kiến thức, điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men chữa bệnh; kết nối hệ thống thông tin; giám sát, hỗ trợ, khai báo qua hệ thống mạng… Việc này vừa giúp doanh nghiệp tự chủ phòng chống dịch, vừa giảm gánh nặng cho Nhà nước, địa phương.

Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, rõ ràng, thị trường hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới. 

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ... Do đó, các chính sách phòng chống dịch của các địa phương cần được điều chỉnh để có sự nhất quán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thời cơ trong những tháng cuối năm. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, mà còn giúp hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ.