Ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức 6 tháng đầu năm

NDO - Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và xung đột Nga-Ukraine; giá cả một số hàng hóa, vật tư đều ở mức cao, chi phí logistic cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam…
0:00 / 0:00
0:00
Ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức 6 tháng đầu năm

Mặc dù vậy, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác 1,953 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 2,431 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2023.

Đây là những thông tin được chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thủy sản được tổ chức ngày 3/7, tại Hà Nội.

Những tín hiệu tích cực ngành thủy sản

Chia sẻ tại hội nghị, Cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân khẳng định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng sáu tháng đầu năm giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% cùng kỳ năm 2023 và đạt 45,8% kế hoạch (9,5 tỷ USD).

Về sản xuất giống thủy sản hiện cả nước có 7.256 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống với tổng sản lượng 166 tỷ con. Trong đó, tôm giống bố mẹ nước lợ 7 cơ sở, tôm giống thương phẩm 2.267 cơ sở, 1.690 cơ sở sản xuất giống cá tra; giống nhuyễn thể 835 cơ sở, 112 cơ sở sản xuất giống cá biển, 195 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Về nuôi trồng thủy sản: Nuôi biển có khoảng 9,2 triệu m3 lồng (4 triệu m3 nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) và 55ha nuôi nhuyễn thể (sò, nghêu, trai, hàu, mực).

Ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức 6 tháng đầu năm ảnh 1

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành thủy sản được tổ chức ngày 3/7, tại Hà Nội.

Cục trưởng Thủy sản cho biết, hiện nay nuôi thủy sản nước lợ đạt diện tích 674,5 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ (tôm nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) 666,5 nghìn ha, sản lượng 454,8 nghìn tấn. Diện tích nuôi cá tra 3.104 ha, giảm 2,8% diện tích so với cùng kỳ, sản lượng 832 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Về sản lượng khai thác thủy sản 1,953 triệu tấn, trong đó sản lượng thủy sản khai thác trên biển 1,864 triệu tấn; khai thác nội địa (sông, hồ) 89 nghìn tấn.

Về tàu cá, ông Luân cho biết, hiện cả nước có 85.980 tàu. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6-12 mét là 39.867 chiếc; tàu có chiều dài từ 12-15 mét là 16.561 chiếc; tàu có chiều dài từ 15-24 mét là 27.022 chiếc; tàu trên 24 mét là 2.530 chiếc.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thủy sản đã cấp 1.352 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với khối lượng thủy sản các loại 15.461 tấn, trong đó cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường EU 1.152 giấy với khối lượng 12.616 tấn thủy sản các loại. Đồng thời, Cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, điều chỉnh giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các địa phương ven biển từ năm 2024-2029 là 29.552 giấy phép”, Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ.

Đặt mục tiêu về đích 4,89 triệu tấn thủy sản trong 6 tháng cuối năm

Sau khi nghe báo cáo ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến biểu dương những kết quả ngành thủy sản đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời khẳng định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng Cục Thủy sản đã chủ động, kịp thời cùng với các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược phát triển thủy sản. Từ đó, kịp thời tham mưu tham mưu Bộ ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.

“Trong công tác quản lý Nhà nước về nuôi trồng, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, tiếp tục đi đúng định hướng; việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, các văn bản quản lý Nhà nước, các chính sách đã được thực hiện đồng bộ. Các chỉ tiêu kế hoạch phát triển ngành cơ bản đã đạt được theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ ra một số mặt tồn tại ngành thủy sản trong thời gian qua. Cụ thể, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quan trắc môi trường nuôi trồng thuỷ sản còn thiếu, chưa đồng bộ; Công tác bảo quản sản phẩm trong khai thác thủy sản chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác chưa được nhiều để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Ngành thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức 6 tháng đầu năm ảnh 2

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Mặt khác, một số nhiệm vụ năm 2024 của Cục không được cấp đủ kinh phí hoặc chưa được cấp kinh phí đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo sản xuất; công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản còn chưa kịp thời.

“Ngành thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan khi tổng sản lượng đạt 4,4 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng khai thác tăng 1% chứ chưa giảm như mục tiêu đặt ra, nuôi trồng mới chỉ đạt 42,7% như kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản vẫn còn chậm hơn so với các ngành khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

6 tháng cuối năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,89 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,57 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3,32 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD.

Để đạt được kết quả như kỳ vọng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành thủy sản tập trung giảm sản lượng khai thác như mục tiêu đã đề ra; giảm đội tàu, chuyển đổi nghề; giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU như quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, VMS, màu sơn, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản; tăng cường xử lý vi phạm hành chính…

Với nuôi trồng thủy sản, phải quan tâm hơn nữa đến quy trình, công nghệ, kỹ thuật mới. Giải quyết khó khăn đối với từng đối tượng như cá tra, tôm, cá ngừ, nhuyển thể, nuôi biển… Xem xét quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực nuôi biển…