Xuất khẩu thủy sản hướng tới 10 tỷ USD

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ còn nửa năm, các doanh nghiệp thủy sản đang rất tích cực hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu cho cả năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: NAM ANH
Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: NAM ANH

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất (tăng 84%), cá ngừ cũng tăng tích cực (tăng 22%), xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

Thị trường phục hồi, song vẫn nhiều thách thức

Trong tốp 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn, với mức tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 605 triệu USD, với 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm sâu 44%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.

Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần nhờ tăng mạnh mặt hàng cua sống phục vụ phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù đã có khởi sắc về thị trường, giá xuất khẩu, nhưng đà phục hồi còn chậm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đánh giá, các doanh nghiệp thủy sản còn phải đối mặt nhiều thách thức từ nay đến cuối năm, như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững. Chưa kể, chi phí về cước vận tải, chi phí giá thành cao… có thể khiến doanh nghiệp đuối sức. “Ngành tôm Việt đang phải đương đầu với 2 vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mặc dù kết quả của 2 vụ kiện còn ở phía trước, song nếu thuận lợi, thị trường cho con tôm có thể duy trì được nhịp độ. Nếu bất lợi, những tháng cuối năm ngành tôm sẽ khó khăn thêm”, ông Lực nhận định.

Không chỉ ngành tôm, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thách thức với ngành cá tra là giá xuất khẩu vẫn đang thấp, thị trường EU tiêu thụ rất chậm và khó khăn, thị trường Trung Quốc không ổn định, còn thị trường Mỹ là những lo ngại về vụ kiện chống bán phá giá đang bước vào giai đoạn rà soát hành chính lần thứ 20. Trong khi đó, "thẻ vàng" IUU vẫn đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp hải sản.

Xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.

Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực vượt khó

Với mức tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, Công ty CP thủy sản Trường Giang, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra đã ghi nhận dấu hiệu phản hồi tích cực từ nhiều thị trường. Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà giá xuất khẩu cũng được cải thiện. Ông Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Trường Giang cho biết, doanh nghiệp đang tích cực khai thác thị trường, đa dạng mặt hàng chế biến, phục vụ nhu cầu tăng mạnh vào 2 quý cuối năm. Ông Văn cho biết, giá có thể sẽ tăng từ 5-10% đối với ngành cá tra. Do đó, doanh nghiệp có thể bình tĩnh duy trì sản lượng để chờ cơ hội có giá tốt hơn.

Cùng với mặt hàng chiến lược cá tra, tôm cũng thu về 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đang tích cực kiểm soát chi phí để tăng hiệu quả cạnh tranh. Đồng thời đầu tư khép kín quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe và xây dựng hình ảnh con tôm Việt.

Theo ông Vũ Đức Trí, Phó Tổng Giám đốc chuỗi cung ứng, Tập đoàn Việt Úc, điểm tích cực là nhu cầu về những đơn hàng chất lượng cao từ những thị trường lớn của thế giới vẫn có. Vì vậy, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư chuẩn hóa quy trình vận hành và tìm hiểu nhu cầu những thị trường lớn, mong muốn thông qua việc xuất khẩu những đơn hàng chất lượng sẽ mang lại tiếng vang cho toàn ngành tôm Việt.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các thị trường và sản phẩm, nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng chế biến sâu. Không chỉ mang lại giá trị gia tăng mà còn góp phần tăng sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định, chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong mọi điều kiện và hoàn cảnh. Chỉ khi đó, doanh nghiệp thủy sản mới khẳng định được thương hiệu và sự phát triển bền vững đón nhận cơ hội khi thị trường phục hồi.

Phát huy các lợi thế cạnh tranh, ngành thủy sản Việt Nam đang tiếp tục hành trình chinh phục người tiêu dùng toàn cầu. Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp tăng tốc tìm đơn hàng, làm hàng ngay tháng đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD trong năm nay.