Ngành thép ở Thái Nguyên lao đao vì thua lỗ

NDO - Là một trong những trung tâm sản xuất thép lớn, thời gian qua các doanh nghiệp ngành thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, hầu hết đều giảm sản lượng vì thua lỗ nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do nguyên vật liệu tăng, trong khi giá thép giảm mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Sản xuất thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

So với cách đây khoảng một năm, giá thép xây dựng đã giảm 5-6 triệu đồng/tấn, phôi thép giảm 3-4 triệu đồng/tấn, Fero Mangan giảm hàng chục triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá nguyên, vật liệu đầu vào như quặng, cốc, sắt thép phế liệu, điện ở mức cao làm cho nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên là đơn vị sản xuất phôi thép với quy mô lớn nhưng thời gian vừa qua giá phôi thép giảm mạnh, sản xuất mỗi tấn phôi lỗ khoảng hai triệu đồng nên phải tạm dừng sản xuất ba tháng nay.

Giám đốc Công ty Chu Phương Đông, cho biết: "Do dừng sản xuất nên không có nguồn thu, trong khi đó công ty vẫn phải chi phí cho các khoản trả lãi ngân hàng, bảo dưỡng máy móc thiết bị, trợ cấp ổn định đời sống hơn 400 công nhân nên chúng tôi đang khó khăn chồng chất".

Là một trong những trung tâm sản xuất thép, tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cung cấp nguyên, vật liệu sản xuất phôi, sản xuất thép đang gặp khó khăn.

Công ty cổ phần Hợp kim sắt gang thép Thái Nguyên chuyên sản xuất Fero Mangan, nguyên liệu rất quan trọng cho sản xuất của ngành thép, thời gian vừa qua giá Fero Mangan giảm hàng chục triệu đồng/tấn làm cho công ty bị thua lỗ nặng.

Chủ tịch Công ty cổ phần Hợp kim sắt gang thép Thái Nguyên Vũ Hồng Cương, cho biết: "Để sản xuất ổn định, chúng tôi phải nhập nguyên liệu dự trữ từ 3 đến 6 tháng, thời điểm đó giá rất cao. Sau đó giá Fero Mangan giảm rất mạnh nên chúng tôi bị thua lỗ nặng.

Để duy trì dòng tiền, việc làm, hợp đồng cung cấp hàng hoá, chúng tôi buộc phải duy trì sản xuất, nhưng giảm 50% sản lượng. Đây là thời điểm chúng tôi khó khăn nhất từ trước đến nay".

Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giá thép tăng cao năm 2021 và đầu năm 2022, doanh nghiệp lãi lớn, có tích lũy.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay giá thép giảm mạnh, trong khi đó nguyên, vật liệu ở mức cao, nhất là các doanh nghiệp đã nhập nguyên, vật liệu thời gian trước đang thua lỗ rất lớn, sẽ “quét” hết số lãi đã tích luỹ được, thậm chí phá sản.

Mặc dù đang rất khó khăn, các doanh nghiệp ngành thép chưa được hỗ trợ về lãi suất, thuế, thuê đất, chỉ được hỗ trợ một phần tiền điện. Ông Vũ Hồng Cương cho biết: “Để cầm cự, giải quyết việc làm cho hơn 200 công nhân, chúng tôi phải triệt để tiết kiệm các chi phí, tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm tiền điện”.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành thép trên địa bàn thừa nhận, do tác động của thị trường thế giới, không biết đến khi nào ngành sản xuất thép mới ổn định trở lại. Nếu lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, rời khỏi thị trường.