Ngành nông nghiệp Thủ đô được mùa

Năm 2023, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 2,74% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau an toàn tại huyện Thanh Trì. (Ảnh Tri Thành)
Sản xuất rau an toàn tại huyện Thanh Trì. (Ảnh Tri Thành)

Năm 2023, thời tiết tương đối thuận lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Lúa và các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát... Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 41.680 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 38.020 tỷ đồng, giá trị sản xuất thủy sản đạt 3.566 tỷ đồng.

Thành phố tiếp tục duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 40 nhãn hiệu hàng hóa được xây dựng, bảo hộ, như gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, gạo thơm Bối Khê..., bước đầu nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.

Ðáng chú ý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Thủ đô; đồng thời, cùng các sở, ngành, địa phương khuyến khích hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn như sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu,...

Cùng với đó, công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực. Ðến hết năm 2023, 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Toàn bộ 382 xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bốn huyện Ðan Phượng, Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Huyện Hoài Ðức và Thanh Oai đang hoàn thiện hồ sơ, thẩm định đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Một điểm sáng nữa của ngành nông nghiệp Hà Nội là chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thu được nhiều kết quả ấn tượng, với 2.717 sản phẩm được đánh giá, phân hạng; trong đó, có sáu sản phẩm sáu sao, 12 sản phẩm năm sao, 1.465 sản phẩm bốn sao và 1.234 sản phẩm ba sao.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi thời tiết diễn biến bất thường. Giá vật tư luôn có xu hướng tăng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, nhiều nơi đã xuống cấp, cần nguồn lực đầu tư lớn…

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5%-3%. Ðể đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Ðại cho biết, cùng với phát triển sản xuất, thành phố phấn đấu đến hết năm 2024, có ít nhất bốn huyện được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; có thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các huyện, thị xã rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới với quan điểm xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, không có điểm kết thúc.