Ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học

Bước vào năm học mới 2023-2024, điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng là các khoản thu đầu năm, trong đó những khoản thu tự nguyện vẫn là những khoản thu gây tranh cãi nhiều nhất dù đã có các quy định chi tiết.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 24/9, Ban Giám hiệu Trường trung học phổ thông Chu Văn An đã phải họp bất thường, triệu tập giáo viên chủ nhiệm của các lớp để rà soát lại tình hình thực hiện các khoản thu ở từng lớp trước phản ánh của phụ huynh về việc một lớp của trường này đã thu quỹ phụ huynh lên tới 4,5 triệu đồng/học sinh.

Ban Giám hiệu Trường trung học phổ thông Chu Văn An đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp này trả lại toàn bộ khoản thu này cho từng phụ huynh học sinh khi xác định việc thu chi chưa thực hiện đúng các quy định về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, cũng như các quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Việc thu chi các khoản tiền đầu năm học ngoài học phí đều được quy định rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo đảm an ninh, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu chi các khoản tiền của ban đại diện cha mẹ học sinh phải được thực hiện công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Được biết, ngay khi vào năm học mới 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các trường trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi, trong đó nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu, nhất là những khoản thu khác ngoài học phí. Đây chính là một trong những lý do khiến phụ huynh học sinh bức xúc khi vẫn có nơi làm tắt quy trình hay núp dưới danh nghĩa "tự nguyện"...

Để tránh tình trạng lạm thu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, phòng đã họp với hiệu trưởng của tất cả các trường học, quán triệt yêu cầu, đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra việc ban đại diện thu khoản gì mà giáo viên, hiệu trưởng không nắm được. Kế hoạch thu, chi của ban đại diện phải được thống nhất với ban giám hiệu, sau đó mới triển khai ở các lớp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.

"Khi ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hoạt động của ban cũng như các khoản thu, chi, giáo viên chủ nhiệm lớp phải ngồi cùng nghe, tránh việc không nắm được nội dung mà ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai ở lớp mình", bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.

Còn theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, toàn bộ kế hoạch thu, chi của từng lớp, từng trường, ở tất cả các cấp học trên địa bàn đều phải gửi về Ủy ban nhân dân huyện để được phê duyệt trước khi triển khai, tuyệt đối không được tự ý tổ chức thu những khoản ngoài quy định, chưa được phê duyệt.

Năm học này, bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng quy định, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã đều tăng cường công tác giám sát nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra các trường trực thuộc về công tác thu, chi. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào những khoản thu khác ngoài học phí, bởi đây là vấn đề thường khiến phụ huynh học sinh bức xúc.

Đồng thời, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng đang tăng cường công tác số hóa trong thu, chi trường học, theo đó, sẽ triển khai tập huấn sử dụng phần mềm quản lý các khoản thu không dùng tiền mặt tới các trường học ngay từ đầu năm học 2023-2024.