Ngăn chặn thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm giả

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội vừa mới thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.
0:00 / 0:00
0:00

Thời gian đoàn thực hiện kiểm tra từ ngày 1/6 đến 31/7/2023. Trước đó, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cũng đã quyết liệt thực hiện các chương trình kiểm tra, kiểm soát liên ngành các mặt hàng thực phẩm nói chung. Chỉ trong hai tháng triển khai, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 175 vụ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,7 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 31/5/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) và các đơn vị liên quan đã triệt phá cơ sở sản xuất collagen, dược phẩm các loại quy mô lớn ở huyện Chương Mỹ, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, kiểm tra đột xuất căn nhà cấp 4 tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, lực lượng chức năng phát hiện những người làm ở đây đang gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao ni-lông khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác.

Sau đó, dán các nhãn mác được in sẵn của nhiều nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA... có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... lên vỏ hộp.

Cuối cùng là dán tem chống hàng giả. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm...

Tuy lực lượng chức năng đã tăng cường vào cuộc, nhưng thời gian qua tình trạng buôn bán các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm nhập lậu, giả mạo, kém chất lượng... vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi. Nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử... để kinh doanh nhiều mặt hàng được quảng cáo là hàng xách tay, hàng nội địa của các nước, nhưng thực chất là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các đối tượng thường chọn những nơi ẩn sâu trong khu dân cư, ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm để tránh bị chú ý; in ấn bao bì, nhãn mác như thật với nhiều tiếng nước ngoài nhằm che mắt người tiêu dùng, thậm chí làm cả “tem chống hàng giả”. Các loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng.

Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc của lực lượng chức năng, thì người tiêu dùng cũng cần lựa chọn các cơ sở kinh doanh uy tín, chất lượng, không nên mua hàng hóa trôi nổi, kém chất lượng.