Mới đây, lực lượng chức năng tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An, An Giang…, đã phát hiện nhiều vụ nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Nguyên nhân là bởi tại các địa phương này địa bàn rộng, có đường biên giới dài, hẻo lánh, xa dân cư; lực lượng của các ngành, đơn vị liên quan “mỏng”, kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu, chế độ chính sách chưa được bảo đảm...
Từ thực tế trên, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu có “lỗ hổng” để gia súc, gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào, chưa qua kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc; vượt qua hàng trăm ki-lô-mét, từ các tỉnh biên giới về các “lò mổ” ở nhiều địa phương mà không bị phát hiện, kiểm tra? Các cơ quan chức năng, liên ngành đã làm tốt trách nhiệm của mình hay chưa, nhất là trong thời điểm cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu người dân sử dụng thực phẩm, động vật tươi sống sẽ tăng cao; tình trạng thu mua động vật, thực phẩm trôi nổi trên thị trường còn nhiều, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không phép, trái phép có xu hướng gia tăng?
Ðể xử lý dứt điểm tình trạng này, các bộ, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cần quyết liệt triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Lực lượng công an, bộ đội biên phòng tại địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các đường mòn khu vực biên giới, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; trinh sát, điều tra, phát hiện các đường dây, ổ nhóm, đối tượng chuyên vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép.
Các địa phương cần thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới. Cơ quan quản lý thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ; phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch khống, giấy chứng nhận kiểm dịch giả; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật Thú y; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi.