Giải bài toán di cư hóc búa

Số vụ vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU) trong chín tháng đầu năm 2024 giảm 42% so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 166.000 vụ. Đây là tin vui đối với các cơ quan bảo vệ biên giới EU, bởi chắc họ chưa thể quên hình ảnh nhiều đoàn xe, tàu thuyền chở người nhập cư lũ lượt xâm nhập lãnh thổ "mái nhà chung" châu Âu. Hy vọng được nhân lên khi Hiệp ước Di cư và Tị nạn sẽ có hiệu lực năm 2026 nhằm chia sẻ trách nhiệm của 27 nước thành viên EU về bài toán di cư hóc búa bấy lâu nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư tại đảo Lampedusa, Italia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết xu hướng nhập cư trái phép giảm mạnh nhất là dọc theo các tuyến đường qua Tây Balkan và trung tâm Địa Trung Hải. Cụ thể, gần 17.000 người tị nạn đã vượt biên vào EU qua Tây Balkan (giảm 79%), trong khi khoảng 47.700 người đã vào EU qua khu vực trung tâm Địa Trung Hải (giảm 64%).

Ngược lại, số người vượt biên qua tuyến đường Tây Phi tăng gấp đôi, lên hơn 30.600 người trong chín tháng đầu năm. Xu hướng tăng mạnh nhất tập trung tại biên giới đất liền phía đông EU, với gần 13.200 vụ vượt biên, tăng 192% so cùng kỳ năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, tại Hội nghị cấp cao EU vừa diễn ra trong hai ngày 17 và 18/10, tại Brussels (Bỉ), các nước EU đã đạt đồng thuận về việc cần ban hành một luật mới về di cư nhằm đẩy nhanh quá trình trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp, qua đó giúp các quốc gia thành viên kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư và giảm áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội.

Tại Hội nghị cấp cao EU vừa diễn ra trong hai ngày 17 và 18/10, tại Brussels (Bỉ), các nước EU đã đạt đồng thuận về việc cần ban hành một luật mới về di cư nhằm đẩy nhanh quá trình trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp, qua đó giúp các quốc gia thành viên kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư và giảm áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội.

Theo bà von der Leyen, luật mới sẽ quy định các nước có nghĩa vụ hợp tác trong việc hồi hương và tiếp nhận người di cư bất hợp pháp, giúp quá trình này được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn. Người đứng đầu EC khẳng định khuôn khổ pháp lý mới này sẽ giúp tăng cường năng lực để giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp, vốn trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và là chủ đề nóng trong nhiều cuộc họp của EU những năm qua.

Chủ tịch EC lưu ý các nước thành viên cần xây dựng lòng tin, sự hài hòa và thống nhất linh hoạt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Nhiều nước châu Âu kêu gọi EU thắt chặt chính sách đối với người nhập cư bất hợp pháp cũng như tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài khối nhằm đối phó làn sóng di cư đang ngày càng tăng. Chính phủ Pháp đang thúc đẩy việc thông qua một luật nhập cư mới vào năm 2025, trong đó đáng chú ý là quy định tăng thời hạn giam giữ tối đa từ 90 lên 210 ngày, thời hạn hiện chỉ áp đặt đối với các đối tượng khủng bố.

Đức vừa tuyên bố mở rộng kiểm soát biên giới đối với tất cả chín quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn dòng người di cư mà nước này "không hoan nghênh" xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Đức. Ba Lan và Séc thậm chí còn hối thúc EU áp dụng ngay lập tức các hạn chế nghiêm ngặt hơn so với các quy định trong Hiệp ước Di cư và Tị nạn, sẽ có hiệu lực vào năm 2026, nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu, đồng thời đẩy nhanh quá trình trục xuất những người không đủ điều kiện tị nạn.

Trong khi đó, Tây Ban Nha lên tiếng phản đối kế hoạch lâu nay của EU về việc chuyển người di cư có đơn xin tị nạn bị từ chối đến các trung tâm tiếp nhận đặt ở ngoài khối. Người phát ngôn Chính phủ Pilar Alegria cho biết, Tây Ban Nha không ủng hộ ý tưởng của EU về việc thiết lập các trung tâm ở nước thứ ba để tiếp nhận và xử lý vấn đề người di cư bất hợp pháp.

Trên tinh thần Hiệp ước Di cư và Tị nạn, Madrid muốn thúc đẩy việc thiết lập các tuyến đường di cư hợp pháp và an toàn, đồng thời phối hợp các quốc gia xuất xứ và quá cảnh để hạn chế dòng người di cư. Quốc gia đông dân thứ 3 EU đưa ra quan điểm nêu trên sau khi Italia đưa nhóm người di cư bị chặn ở Địa Trung Hải đến hai trung tâm di cư mới của Italia tại Albania.

Tại các cơ sở này, những người di cư sẽ phải trải qua các thủ tục nhận dạng và ở lại cho đến khi Italia hoàn tất quá trình xử lý hồ sơ xin tị nạn của họ. Sự kiện này đánh dấu lần đầu một nước thành viên EU vận hành các trung tâm ở ngoài liên minh để tiếp nhận và xử lý vấn đề người di cư.

Vấn đề di cư bất hợp pháp là chủ đề nóng trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao EU vừa kết thúc sau hai ngày nhóm họp, với nhiều tranh cãi nảy lửa. Một số nước thành viên kêu gọi áp đặt những biện pháp cứng rắn nhằm đối phó làn sóng di cư, dù ghi nhận giảm trong chín tháng đầu năm nay, nhưng vẫn không ngừng tìm cách xâm nhập trái phép vào lãnh thổ "mái nhà chung" châu Âu.