Hứa hẹn kỷ nguyên hợp tác mới
Trước chuyến thăm Italy và cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Giorgia Meloni ngày 16/9, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố “một kỷ nguyên mới” hứa hẹn mở ra trong hợp tác xuyên biên giới và thực thi pháp luật quốc tế, nhằm phá vỡ các mạng lưới buôn người, bảo vệ bờ biển và mang lại trật tự cho hệ thống tị nạn. Trong cuộc hội đàm tại Rome, Thủ tướng Starmer đã ca ngợi chính sách nhập cư mà Thủ tướng Giorgia Meloni triển khai, cũng như kết quả Italy đạt được trong việc giảm mạnh lượng người nhập cư trái phép.
Chia sẻ về giải pháp, Thủ tướng Meloni cho biết, nỗ lực trọng tâm là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư, đồng thời nêu bật hiệu quả của các biện pháp, nhất là chương trình hồi hương tự nguyện. Thủ tướng Starmer nhấn mạnh quan tâm muốn được chia sẻ kinh nghiệm Italy phối hợp với các nước trong xử lý vấn đề người nhập cư và tị nạn. Theo đó, nỗ lực ngăn chặn người di cư trước khi họ bắt đầu hành trình đã giúp Italy đạt hiệu quả, giảm tới 60% số người nhập cư trái phép qua đường biển.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Meloni cho biết, hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người. Thủ tướng Starmer cũng nhấn mạnh rằng, Anh và Italy sẽ chia sẻ dữ liệu, thông tin tình báo và chiến lược hành động để triệt phá các tổ chức buôn bán người.
Ngoài mục tiêu hợp tác giảm tình trạng di cư bất hợp pháp, chuyến thăm Italy được đánh giá là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Starmer nhằm cải thiện quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU). Việc khôi phục quan hệ tích cực với các nhà lãnh đạo châu Âu khác là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của ông Starmer sau khi nhậm chức Thủ tướng Anh. Trước khi tới Italy, ông Starmer đã có các chuyến thăm Đức, Pháp và Ireland.
Nóng vấn đề di cư bất hợp pháp
Cuộc gặp tại Rome giữa hai nhà lãnh đạo Anh và Italy diễn ra ngay sau khi có ít nhất 8 người di cư thiệt mạng, khi cố gắng vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Chiếc thuyền cao-su chở hơn 50 người gặp sự cố không lâu sau khi rời bờ và chìm ở vùng biển phía bắc Pas-de-Calais của Pháp. Trước đó chưa đầy hai tuần, hôm 3/9, 12 người cũng thiệt mạng khi thuyền chở họ chìm trên hành trình vượt eo biển Manche.
Các vụ đắm thuyền liên tiếp gây thương vong cho người di cư trên eo biển nối Anh và Pháp này càng làm nóng vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Theo cảnh sát Anh, chỉ trong hai ngày cuối tuần trước, lực lượng chức năng đã phát hiện 18 vụ vượt eo biển Manche. Chỉ riêng ngày 14/9, lực lượng hàng hải Pháp cùng các tổ chức cứu hộ đã giải cứu khoảng hàng trăm người đang trong hành trình vượt biển.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), vụ chìm thuyền mới nhất đã nâng số người di cư tử vong ở eo biển Manche lên 45 người kể từ đầu năm 2024 và là con số cao nhất được báo cáo kể từ năm 2021. Hơn 22.000 người di cư đã thực hiện chuyến vượt biển nguy hiểm từ Pháp sang Anh trong năm nay, tăng so mức cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), từ đầu năm đến nay, khoảng 44.000 người di cư đã đến Italy. Con số này thấp hơn nhiều so 125.000 người cùng kỳ năm 2023. Xu hướng giảm này được cho là nhờ Chính phủ Italy hợp tác nhằm ngăn chặn người di cư rời quê hương, cũng như nỗ lực trấn áp các đường dây buôn người. Italy cũng ký một thỏa thuận với Albania về xử lý vấn đề người tị nạn.