Ðặc biệt, trong bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, người lãnh đạo Ðảng ta đã có nhiều trăn trở với việc phát triển văn hóa nước nhà, nhất là trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tin rằng sự thấu cảm đó sẽ được các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân quán triệt sâu sắc và coi đó là “kim chỉ nam” để văn hóa Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới đầy tự tin và bản lĩnh.
Có thể khẳng định rằng với sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian qua văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa tích cực. Chúng ta tự hào khi thấy ngày càng có nhiều người nước ngoài học tiếng Việt để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Trong lĩnh vực ẩm thực, thời trang, du lịch, văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế biết tới và ca ngợi với nhiều mỹ từ. Nhiều di sản văn hóa của cha ông để lại đã được UNESCO công nhận là di sản đại diện cho nhân loại, là văn hóa tiêu biểu của loài người… Bên cạnh những vinh dự, tự hào, vẫn canh cánh mối lo, đó chính là nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc trong một bộ phận giới trẻ.
Những năm gần đây cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và internet, các mạng xã hội xuất hiện lan tràn kéo theo nhiều tác động tiêu cực. Mạng xã hội là môi trường dễ dàng lan truyền những thông tin xấu độc, gây hại đến sự phát triển tư duy của một bộ phận giới trẻ. Những hiện tượng như bắt nạt, bôi nhọ cá nhân, tập thể; thần tượng, tôn sùng những đối tượng “giang hồ mạng”; tung hô, cổ vũ những hành vi lệch chuẩn văn hóa để câu lượt thích, lượt xem… tạo ra một diện mạo xấu xí khi nhắc đến mạng xã hội.
Một báo cáo gần đây cho thấy, hoạt động sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của Việt Nam đã thu về khoảng 1.500 tỷ đồng, thu hút khoảng 20.000 lao động, con số này chưa bao gồm các hoạt động kinh doanh. Trong đợt đại dịch Covid-19, nhiều lớp học đã được tổ chức thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội. Như vậy, mạng xã hội còn có một không gian “trong lành” rất lớn dành cho sáng tạo, kinh doanh và học tập.
Nhiều nghị quyết của Ðảng các nhiệm kỳ gần đây đều coi mục tiêu xây dựng kinh tế đồng thời với sự phát triển văn hóa.
Nhiều nghị quyết của Ðảng các nhiệm kỳ gần đây đều coi mục tiêu xây dựng kinh tế đồng thời với sự phát triển văn hóa. Văn hóa cũng là nội lực để xây dựng, phát triển nền kinh tế của đất nước. Ngược lại, một nền kinh tế mạnh sẽ giúp văn hóa phát triển tốt đẹp, bền vững. Trong những năm qua chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã góp phần nâng cao và cải thiện đời sống tinh thần cũng như vật chất của người dân. Ðảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân cũng là nội dung thiết thực nhất trong phát triển văn hóa.
Trong phần II của bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết và gợi mở: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Vận dụng linh hoạt chỉ đạo của Tổng Bí thư, chúng ta có thể giải bài toán phát triển văn hóa hài hòa, đồng bộ với tăng trưởng kinh tế.
Ðể làm được vậy, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn, quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về hành vi được và không được làm trên không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng sát với bối cảnh xã hội để giới trẻ dễ tiếp thu, tiếp cận. Gia đình cần được phát huy vai trò, người lớn trong gia đình cần trở thành tấm gương ứng xử có văn hóa ở mọi nơi, mọi lúc cho giới trẻ noi theo. Nhà trường giữ vai trò định hướng, có những chương trình giáo dục đi sâu vào tâm lý để các em có một cái nhìn thực tế và am hiểu hơn về văn hóa ứng xử, góp phần xây dựng xã hội văn minh.