NO2 là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công thương cấp phép. Khí NO2 là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành sản xuất công nghiệp như: Điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế... Tuy nhiên, trong lĩnh vực giải trí, Việt Nam chưa có quy định pháp lý về việc sử dụng khí này.
Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí NO2 với các mặt hàng khác. Mặc dù NO2 không nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất nhưng trước thực trạng giới trẻ sử dụng bóng cười gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng đã đến lúc cần lên tiếng cảnh báo. Việc sử dụng đồng thời với ma túy tổng hợp, chất hướng thần gây ra những thảm họa khôn lường như vụ việc xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội khiến bảy người tử vong.
Gia tăng các ca ngộ độc “bóng cười”
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Khí cười NO2 là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, vô hại vì hết cười lại trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng NO2 kéo dài, hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Trong trường hợp cười quá mức, liên tục hít bóng có thể gây ngạt do thiếu oxy.
Nếu người dùng có tiền sử mắc bệnh về hô hấp, việc sử dụng bóng cười sẽ rất nguy hiểm, do bị ngạt, suy hô hấp. Tình trạng giảm oxy quá lâu không được phát hiện, sẽ gây ra tổn thương não, dẫn đến tử vong. Trường hợp không tử vong nhưng não cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều vùng nhận thức, vận động, thần kinh bị phá hủy, chất lượng sống suy giảm nghiêm trọng. Trong thực tế, đã có nhiều người bị đột tử khi đang sử dụng bóng cười.
Thời gian qua, Bộ Công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Bộ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Y tế, quản lý thị trường, hải quan… đánh giá tình hình nhu cầu thực tế sử dụng khí NO2 trong nước, để có biện pháp siết chặt khâu nhập khẩu; bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh khí NO2 trong nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các mặt hàng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngăn chặn thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không bán bóng cười, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại của bóng cười...
Tuy nhiên, mới đây, chỉ trong ba đêm liên tiếp, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh quán bar, pub, lounge, cà-phê có nhạc trên địa bàn, phát hiện bảy cơ sở kinh doanh vi phạm những quy định liên quan đến bóng cười.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh. Dù lực lượng chức năng liên tục ra quân truy quét, xử lý vi phạm về bóng cười, song các cơ sở kinh doanh bị xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm.
Nguyên nhân chính là do lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh loại hình này, cho nên dù có bị phạt nhiều lần, các cơ sở kinh doanh vẫn nhờn luật. Việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được các chủ cơ sở quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, do bình chứa khí NO2 là hàng hóa thuộc danh mục chất hạn chế, do vậy việc xử lý tang vật còn gặp nhiều khó khăn, chưa có quy trình hướng dẫn xử lý cụ thể, chưa bảo đảm về tiến độ thời gian khi xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, người sử dụng không bị xử phạt, dẫn đến tái phạm nhiều lần. Chính chế tài lỏng lẻo thiếu sự răn đe khiến công tác phòng, chống vi phạm này gặp nhiều khó khăn.
Hiện, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng bóng cười và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này. Khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này.
Trước mắt, cần nâng cao mức xử phạt, rút giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh khí cười trái phép. Xử phạt nghiêm đối tượng sử dụng bóng cười không nằm trong danh mục chữa bệnh ở các cơ sở y tế, phục vụ y tế...; góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm nêu trên.