Gia tăng các ca ngộ độc “bóng cười”

Dù đã có nhiều khuyến cáo cảnh báo, tình trạng người trẻ sử dụng khí N2O (bóng cười) ngày càng gia tăng. Đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện do ngộ độc và để lại những biến chứng nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết tổn thương mắt myelin hình tai thỏ đảo ngược đặc trưng ở tủy sống do sử dụng N20. Ảnh: DÂN VIỆT
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết tổn thương mắt myelin hình tai thỏ đảo ngược đặc trưng ở tủy sống do sử dụng N20. Ảnh: DÂN VIỆT

1/Trong giới trẻ hiện đang gia tăng tình trạng ngộ độc khí N2O, có tên khoa học là Nitrous Oxide, chủ yếu được dùng trong công nghiệp với công tác bảo quản và trong y học để giảm đau trong sản khoa, nha khoa, phẫu thuật và gây mê với liều lượng được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, loại chất này đang được coi là thú chơi, công cụ xả căng thẳng của một bộ phận giới trẻ dưới tên gọi bóng cười.

Khí này được bơm vào những quả bóng bay bằng cao-su và được sử dụng bằng cách hút qua đường miệng, khiến người dùng cảm thấy lâng lâng. Từ cảm giác thích thú khi sử dụng, nhiều bạn trẻ đã bị phụ thuộc, dẫn đến tình trạng nghiện và nhập viện khi ngộ độc vì sử dụng quá nhiều.

“Trong mấy ngày Tết, em và nhóm bạn có tụ tập liên hoan và sau đó có sử dụng bóng cười. Một bạn nam trong nhóm, đang chơi bỗng nhiên ngồi im rồi lịm dần đi. Em và các bạn khác gọi không được nên đã gọi cấp cứu ngay lúc đó thì bác sĩ bảo bạn bị ngộ độc khí N2O do hít số lượng lớn liên tục trong nhiều ngày”, bạn Đỗ Thị Nhung (24 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai gần đây tiếp nhận hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không thể đi lại được do tủy sống bị ảnh hưởng, tê bì tứ chi... Bệnh nhân cho biết, trong một thời gian dài sử dụng liên tục… 100-300 quả bóng cười mỗi ngày. Có ngày cao điểm, trung tâm tiếp nhận lên đến trăm ca bệnh một ngày.

Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc: Ngộ độc do khí N2O gây ra thường ảnh hưởng đến thần kinh đầu tiên rồi đến các cơ quan khác. Người bị ngộ độc sẽ xuất hiện tình trạng tê bì tứ chi, chóng mặt, thị lực suy giảm, rối loạn cảm giác. Biểu hiện ngộ độc ở thần kinh là dễ nhận biết nhất và sẽ để lại các di chứng nặng nề nhất. Rồi tiếp đến sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác như đau ngực, đau bụng, nôn mửa, khó thở, suy hô hấp... Song, bệnh nhân thường không để ý và chỉ khi xuất hiện những biến chứng nặng cần cấp cứu kịp thời như co giật, thể trạng sốt cao, thậm chí đột quỵ mới nhập viện điều trị.

2/Theo TS, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), N2O có thể gây rối loạn cảm xúc hành vi. Dùng lâu dài, với liều cao có thể gây tình trạng loạn thần, thiếu oxy dẫn đến tử vong. Những bệnh nhân sử dụng khí N2O kéo dài sẽ thiếu hụt vitamin B12 gây chết tế bào và bệnh lý thần kinh mất myelin. Các vị trí tổn thương do ngộ độc khí cười thường gặp ở cột sau và cột bên tủy sống; hay gặp ở cột sống, ngực, cổ; có thể gây thương tổn não, thần kinh thị giác hoặc các thần kinh ngoại biên.

Cũng theo bác sĩ, các trường hợp ngộ độc thường sẽ phải điều trị từ hai đến bốn tuần, sau đó duy trì thuốc từ hai đến sáu tháng sau điều trị. Song ngoài các chất bổ sung và điều trị hỗ trợ, bệnh lý thần kinh - tủy gây ra do ngộ độc N2O hiện nay không có phương pháp điều trị khác. Hầu hết trong các trường hợp, bác sĩ đã sử dụng chủ yếu 1000mg vitamin B12 mỗi ngày trong 14 ngày, ngoài ra, bổ sung methionine đường uống.

Đáng báo động là trong những ca nhập viện do ngộ độc bóng cười đa số là những người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến dưới 33 tuổi. Hiện trạng này phản ánh sự buông thả của một bộ phận giới trẻ đối với sức khỏe của bản thân, ảnh hưởng đến cuộc sống còn rất dài phía trước. Trước những tổn hại về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, cần có một cơ chế kiểm soát liên ngành được đưa vào luật để bảo đảm an toàn tới sức khỏe, tính mạng của con người là trên hết.

“Mình có sử dụng bóng cười khá nhiều. Trong nhiều cuộc vui thậm chí sử dụng không kiểm soát, lên tới hàng trăm quả. Một thời gian sau, tự bản thân mình thấy sức khỏe đi xuống, tay chân hay bị tê, làm gì cũng chậm chạp hơn và thị lực cũng giảm. Lúc đó mình mới đi khám và “lạnh sống lưng” với những gì bác sĩ nói nếu như còn tiếp tục hút bóng cười. Đến nay mình đã bỏ được hơn hai năm rồi”, anh Trịnh Tuấn Linh (29 tuổi), Hà Nội chia sẻ.

Tại Việt Nam, N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017. N2O chưa được liệt vào mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP và nước ta cũng chưa có quy định xử phạt cụ thể cho người sử dụng bóng cười mà mới chỉ có chế tài cho những cơ sở kinh doanh bóng cười.