Ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tại các di tích, lễ hội

Theo bạn đọc phản ánh, thời điểm hiện nay là dịp nhiều địa phương tổ chức các lễ hội; đồng thời cũng là dịp để đông đảo người dân đi lễ đầu xuân, cầu mong sức khỏe và bình an. Tuy nhiên, lợi dụng các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tại những nơi này, nhiều người đã "bày trò" mê tín dị đoan, trộm cắp tài sản, cờ bạc,… khiến dư luận bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh MINH HÀ)
Lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh MINH HÀ)

Để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình… đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Vừa qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phát hiện tại các đền, chùa, nhà thờ trên địa bàn không có người trông coi đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn che kín mặt, phân công người cảnh giới và người trực tiếp phá két sắt để lấy trộm tiền.

Trước tính chất phức tạp của các vụ việc nêu trên, các cán bộ Công an huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp công an các xã, thị trấn triệt phá, bắt giữ Đặng Hữu A (SN 2002) trú xã Nghi Trung; Nguyễn Xuân N. (SN 2004); Đặng H. A. (SN 2008); Đậu Đức H. (SN 2001) cùng trú thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc về hành vi trộm cắp tài sản. Tang vật thu giữ gồm tám két sắt bị cạy phá, bốn điện thoại di động hơn 20 triệu đồng, hai xe máy,…

Bước đầu, các đối tượng khai nhận từ đầu tháng 12/2022 đến trước thời điểm bị bắt, đã gây ra hơn 10 vụ trộm két sắt, tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng tại các di tích đền, chùa, nhà thờ tại huyện Nghi Lộc và các vùng phụ cận...

Qua tìm hiểu, hiện nay cả nước có khoảng 9.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống… Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng, xã đều được người dân tổ chức trang trọng, thành kính vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán.

Trước đó, tại Hà Nội, Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tiếp nhận trình báo của người phụ nữ về việc bị mất trộm điện thoại iPhone 14 pro max trị giá gần 40 triệu đồng khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ công an của phường Yên Phụ và phường Quảng An, quận Tây Hồ đã bắt giữ nghi phạm trộm cắp tại khu vực đường Đặng Thai Mai.

Kiểm tra trong cốp xe máy của đối tượng này còn có chín điện thoại di động. Nghi phạm này khai nhận, do thấy nhiều du khách đi lễ đầu năm để điện thoại trong túi xách, áo khoác cho nên đã lợi dụng đông người để lấy trộm.

Qua tìm hiểu, hiện nay cả nước có khoảng 9.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống… Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng, xã đều được người dân tổ chức trang trọng, thành kính vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán.

Lợi dụng sự tham gia đông đảo của người dân và du khách tại các lễ hội, di tích văn hóa mà nhiều đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để trộm cắp tài sản có giá trị, cờ bạc, bói toán dưới hình thức mê tín, dị đoan,… Những hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ khiến nhiều người hoang mang, lo lắng mà còn gây mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. Sự tham gia lễ hội của đông đảo người dân ngày một đông, trong khi công tác tổ chức tại các địa phương chưa đáp ứng tốt. Công tác tuyên truyền, vận động giúp nhân dân hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội còn hạn chế…

Theo đồng chí Ninh Văn Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, hiện nay toàn tỉnh có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, với hơn 100 lễ hội, trong đó có Lễ hội Yên Tử có quy mô lớn và thời gian kéo dài trong ba tháng đầu năm,...

Để phòng ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật tại các di tích, lễ hội và các khu du lịch, bên cạnh các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và gần đây nhất, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các địa phương trước khi tổ chức lễ hội phải thành lập ban tổ chức, các tiểu ban, tổ giúp việc, xây dựng kế hoạch theo đúng quy định.

Lợi dụng sự tham gia đông đảo của người dân và du khách tại các lễ hội, di tích văn hóa mà nhiều đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để trộm cắp tài sản có giá trị, cờ bạc, bói toán dưới hình thức mê tín, dị đoan,…

Công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn và gìn giữ và phát huy giá trị di sản, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các lễ hội diễn ra phải trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tạo không khí phấn khởi cho người dân và du khách tham gia.

Trong lễ hội, các nghi lễ, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống như tế lễ, thi gói bánh, thi đan dụng cụ sinh hoạt, thi hát các làn điệu truyền thống, kéo co, đi cà kheo,... phải phù hợp với phong tục, tập quán địa phương. Kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động dịch vụ trong di tích, lễ hội.

Vì vậy, đầu năm 2023 các lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân, đồng thời thu hút đông đảo du khách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.