Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại chín địa điểm đối với ba bị can...
Trước đó, Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế", "Cưỡng đoạt tài sản" là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.
Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Võ Văn Út (sinh năm 1981) tại tỉnh Sóc Trăng, đến Lâm Đồng làm việc tại tiệm cầm đồ, chiếm đoạt tài sản của người khác và bị bắt...
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, để có tiền đánh bài trên mạng, lợi dụng sự tin tưởng của bà Trần Thị Thu Hạnh khi giao toàn bộ việc quản lý cửa hàng cầm đồ tại TP Đà Lạt và đi thu tiền huê (họ, hụi,...) do bà Hạnh làm cái cho Võ Văn Út, Út đã lấy toàn bộ số tiền 703 triệu 500 nghìn đồng của khách đến chuộc đồ đã cầm cố và đi thu tiền huê mà không đưa lại cho bà Hạnh để đem đánh bạc qua mạng. Với những chứng cứ rõ ràng, sau phần nghị án, xem xét các tình tiết liên quan, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên án bị cáo Võ Văn Út 13 năm tù giam...
Qua tìm hiểu, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật được biểu hiện thông qua việc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Khi bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an nhằm tích cực phối hợp đấu tranh, bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Ngoài ra, người có hành vi này còn sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản hoặc có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả. Điều đáng nói, mức độ nguy hiểm của tội phạm này ngày càng tăng và gây thiệt hại về tài sản ngày càng lớn. Để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, các đối tượng thường lợi dụng mối quan hệ quen biết, hàng xóm, anh em họ hàng hay bạn học để tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản...
Những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng tội phạm này là do quy định của pháp luật còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử chưa thường xuyên trau dồi kiến thức, nghiệp vụ đã dẫn đến nhầm lẫn, oan sai. Sự hiểu biết pháp luật trong người dân còn chưa cao, nhiều trường hợp kinh doanh thua lỗ không còn khả năng trả nợ nên bỏ trốn, gây phát sinh tội phạm.
Các cơ quan tố tụng còn quá chú trọng "chống" loại tội phạm này mà chưa quan tâm giáo dục ý thức cho người dân trong việc "phòng" cho nên chưa trị được gốc của vấn đề. Hơn nữa, kinh tế thế giới và trong nước luôn có nhiều biến động phức tạp, dẫn tới nảy sinh các vấn đề trong quá trình thực hiện các giao dịch...
Theo Thượng tá Ngô Đức Thành, Trưởng Công an thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này, các ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Người dân, chủ doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không giao các tài sản có giá trị cho các đối tượng nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện game,...
Khi bị lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an nhằm tích cực phối hợp đấu tranh, bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, lực lượng công an cần chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ các đối tượng có khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội trên địa bàn; tích cực phối hợp với quần chúng nhân dân trong công tác điều tra, truy bắt tội phạm, thu hồi vật chứng khi xảy ra các vụ án liên quan; tăng cường kiểm tra hành chính các cửa hiệu cầm đồ trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ kiên quyết không nhận cầm cố xe máy, ô-tô hoặc các tài sản có giá trị của các đối tượng không có giấy tờ tùy thân, không có hóa đơn mua bán hàng hóa; khuyến cáo các văn phòng công chứng cần kiểm tra kỹ về nhân thân của người giới thiệu là chủ tài sản, quan hệ với người đi cùng, yêu cầu họ nói rõ về các thông tin đối với tài sản cần chuyển nhượng.
Việc ký kết các văn bản giấy tờ phải được thực hiện tại văn phòng công chứng, các công chứng viên phải kiểm tra kỹ các thông tin được công chứng trên hệ thống quản lý chung. Hệ thống ngân hàng cần quản lý chặt chẽ đối với đối tượng làm thủ tục vay tiền và thế chấp tài sản thông qua việc xác minh nguồn gốc tài sản thế chấp và mục đích sử dụng...
Thực tiễn đấu tranh, phòng chống loại tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy định của pháp luật còn hạn chế, dễ gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc xác định tội danh; giữa các cơ quan tố tụng còn có những cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau đối với tội phạm này, hay vấn đề này được hình sự hóa trong các quan hệ dân sự... Những khó khăn đó đã và đang trực tiếp ảnh hưởng, khiến công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao...
Để xử lý loại tội phạm này, các cơ quan tố tụng có thể căn cứ vào Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ để xử phạt.
Luật sư BÙI ĐÌNH BẢN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)