Nền tảng và khí thế từ tiến độ giải ngân vốn “mồi”

Xác định đầu tư công tiếp tục là vốn mồi, đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác để thúc đẩy kinh tế-xã hội, ngay từ những tháng đầu năm, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý đầu tư và xây dựng, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án đúng tiến độ theo cam kết.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị.
Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị.

Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn hai tỉnh đạt mức cao so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo nền tảng và khí thế để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra cho năm 2024 trong đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Kết quả đáng khích lệ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/1, địa phương này đã giải ngân hơn 8.585 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 95% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân đạt 97,9%, nguồn ngân sách trung ương giải ngân đạt 91,38%... Các dự án trọng điểm, liên vùng giải ngân đều đạt cao; thậm chí, giải ngân đạt 100% như dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ Km7 đến Km76; dự án Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An (giai đoạn 2)…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Trung, sở dĩ Nghệ An đạt kết quả cao như vậy là vì ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh giao kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến từng sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã để tổ chức thực hiện kịp thời; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia, được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo, triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Để thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành nhiều văn bản nhằm đôn đốc, quán triệt, chỉ đạo xử lý hồ sơ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, chủ đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công nhiệm vụ các đồng chí phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành liên quan theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các dự án theo từng lĩnh vực. Ngoài ra, cứ 10 ngày một lần, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả giải ngân và thông báo đến từng giám đốc các sở, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị về kết quả giải ngân của đơn vị mình nhằm đôn đốc, chỉ đạo kịp thời...

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quang Linh, tính đến ngày 31/1/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, bằng 143,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt được kết quả đáng mừng này, Hà Tĩnh đã quán triệt, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Nguồn ngân sách xây dựng cơ bản tập trung được phân cấp quản lý cho các địa phương theo các nguyên tắc tiêu chí và định mức được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, bảo đảm công khai, minh bạch và hài hòa trong phân bổ nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, ba tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh (do các đồng chí lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng) đã kịp thời triển khai kiểm tra, rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan triển khai, giải ngân và quản lý chất lượng công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh...

Điều đáng ghi nhận tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, bên cạnh nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt, giải ngân nguồn vốn, các địa phương này đã bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện rà soát và điều chỉnh vốn cho các dự án có tốc độ giải ngân cao và điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án dự kiến không giải ngân hết kế hoạch để bổ sung cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, giải ngân tốt. Năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cho 268 dự án, với tổng số vốn 3.017,285 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2022 là 2.827,1 tỷ đồng.

Quyết liệt ngay từ đầu năm

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, năm 2024 được các địa phương xác định là năm then chốt, tăng tốc phấn đấu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân hai tỉnh đã ban hành các quyết định, xây dựng kế hoạch chi tiết, đường găng tiến độ để phân công nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công năm 2024. Đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, tỉnh Nghệ An sẽ giải ngân đạt 95-100% kế hoạch được giao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân của từng dự án; phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm, hạn chế tình trạng kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau.

Các ngành, địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân của cả tỉnh thì 10 ngày/lần phải gửi báo cáo giải ngân và giải quyết vướng mắc cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư… Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An Phạm Hồng Quang cho biết thêm: Để đạt mục tiêu đề ra, các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng của năm 2024 cho từng dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân từng dự án. Đối với dự án khởi công mới trong năm 2024 phải khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; phê duyệt và lựa chọn nhà thầu để sớm thi công dự án. Trong quá trình triển khai dự án kịp thời phát hiện sai sót, khó khăn để có giải pháp xử lý kịp thời; trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất ngay với cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý kịp thời.

Nhằm duy trì và phát huy những kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tỉnh sẽ căn cứ vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của ngành, địa phương, người đứng đầu và cá nhân liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan. Kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao…

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thấu hiểu những khó khăn của các đơn vị thi công trong bối cảnh giá cả nguyên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, hai tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án giao thông lớn, quan trọng trên địa bàn; hướng dẫn các đơn vị có liên quan về quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng; đồng thời, tập trung xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án đúng tiến độ theo cam kết.