Nền tảng thi trực tuyến "make in Vietnam" giúp học sinh Đà Nẵng kết thúc năm học

NDO -

Gần 30.000 học sinh của 27 trường THPT, THCS  trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã vượt qua đợt thi học kỳ 2 năm học 2020-2021 và hoàn thành chương trình bậc trung học theo hình thức thi trực tuyến trên nền tảng mang tên vnEdu LMS của VNPT.

Các thầy cô trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng điều hành thi học kỳ 2 trực tuyến qua nền tảng vnEdu.
Các thầy cô trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng điều hành thi học kỳ 2 trực tuyến qua nền tảng vnEdu.

Thách thức lớn khi hàng chục nghìn học sinh cùng thi trực tuyến  

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, cùng toàn xã hội, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cả nước cũng phải triển khai các giải pháp để bảo đảm công tác phòng chống dịch, đồng vẫn phải bảo đảm việc hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tại Đà Nẵng, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngày 8-5, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT hướng dẫn các đơn vị, trường học kiểm tra cuối kỳ 2 và hoàn thành chương trình bậc trung học năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến qua các phần mềm, trong đó có phần mềm vnEdu của VNPT.

UBND và Sở GD-ĐT Đà Nẵng đặt ra yêu cầu là tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến nhưng phải bảo đảm chất lượng bài kiểm tra, bao gồm các hình thức thi trắc nghiệm, tự luận và kết hợp trắc nghiệm, tự luận. Thời gian tổ chức kiểm tra trực tuyến từ 17 đến ngày 25-5 (trên cơ sở cho phép công nhận kết quả kiểm tra trực tuyến của Thông tư 09/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16-5).

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của GD-ĐT, chỉ trong bốn ngày làm việc, từ ngày 12 đến 16-5, VNPT Đà Nẵng đã nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện các phương án để đáp ứng những yêu cầu đề ra.

Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã khẳng định, VNPT luôn đồng hành, hỗ trợ ngành GD-ĐT vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra trực tuyến trên diện rộng, số lượng học sinh tham gia đông và sử dụng đa dạng thiết bị để làm bài, thời gian chuẩn bị ngắn … là một thách thức không hề nhỏ với toàn bộ đội ngũ kỹ sư CNTT của VNPT. Số trường học tham gia thi học kỳ II qua hình thức trực tuyến trên hệ thống phần mềm vnEdu LMS của VNPT là 27 trường, trong đó có tám trường THPT và 19 trường THCS với khoảng 30.000 lượt học sinh tham gia kiểm tra và gần 1.000 giáo viên tham gia ra đề, coi thi và chấm thi tự luận trên hệ thống.

Nền tảng thi trực tuyến
 Cán bộ kỹ thuật VNPT kết nối đường truyền cho các trường. Ảnh: TRỊNH QUANG.

Với kinh nghiệm triển khai nhiều nền tảng ứng dụng CNTT khác nhau trong những năm gần đây, các kỹ sư của VNPT đã nhanh chóng vạch ra phương án thực hiện. Đó là, cử cán bộ tiếp xúc với các trường để giới thiệu giải pháp; thống kê số lượng các trường đồng ý triển khai với con số chính xác học sinh và giáo viên tham gia. VNPT Đà Nẵng đã phân công kỹ thuật viên bám sát hỗ trợ và tiếp nhận yêu cầu từ các trường với mỗi nhóm kỹ thuật phụ trách từng trường được phân công cụ thể. Đồng thời tổ chức, hướng dẫn, tập huấn, tư vấn cách thức tổ chức và tiến hành cấu hình cho từng môn thi… Đội ngũ kỹ thuật viên cũng thống kê, ghi nhận các tình huống sự cố phát sinh, tập hợp yêu cầu gửi về đội ngũ kỹ sư phần mềm phụ trách phát triển hệ thống để điều chỉnh bổ sung kịp thời chức năng theo yêu cầu thực tế tại mỗi trường, nâng cấp, tối ưu hóa hệ thống bảo đảm phục vụ kỳ kiểm tra.

Cả nước có hàng chục nghìn trường đã triển khai vnEdu

Là một trong 27 trường học tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ 2 bằng phần mềm  vnEdu LMS , ông Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, để kỳ kiểm tra kết thúc năm học diễn ra thuận lợi, an toàn và bảo đảm đúng các quy định, trường đã tìm hiểu kỹ và khảo sát các nghiệp vụ tổ chức thi trực tuyến trên hệ thống vnEdu. Song song việc phối hợp với VNPT nâng cấp đường truyền internet, nhà trường quyết định lựa chọn sử dụng phần mềm vnEdu để tổ chức kỳ thi trực tuyến cho cả hai khối 10 và 11 với gần 3.000 học sinh.

VNPT Đà Nẵng đã hỗ trợ trường tổ chức tập huấn cho giáo viên thực hiện các quy trình coi thi trên máy tính như: nhận đề, phát đề, thu bài và giám sát quá trình làm bài của học sinh; tập huấn quy trình làm bài của học sinh như đăng nhập, điểm danh, vào thi, làm bài và nộp bài (trắc nghiệm, tự luận) để giáo viên chủ nhiệm tập huấn lại cho học sinh lớp mình qua hình thức trực tuyến, nhằm bảo đảm cho các em làm bài một cách tự tin, thoải mái qua hình thức kiểm tra học kỳ mới mẻ này.

Thầy cô trường THPT Phan Châu Trinh điều hành thi học kỳ 2 trực tuyến qua vnEdu LMS của VNPT

Nỗ lực của ngành GD-ĐT Đà Nẵng và VNPT Đà Nẵng bước đầu đã tạo ra một kỳ thi nhanh gọn, hiệu quả và an toàn. Nói về kết quả của kỳ thi vừa qua, thầy giáo Phan Trần Duy Lam, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đã bày tỏ sự cảm ơn đội ngũ của VNPT đã kịp thời và tích cực hỗ trợ, phối hợp với Nhà trường kịp thời tổ chức kiểm tra trực tuyến cho học sinh trong lúc dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.

“Mặc dù tất cả đều mới “tiếp cận” nên không thể tránh khỏi những sai sót, vướng mắc, nhưng bước đầu của thử thách đã mang lại những thành công. Lãnh đạo nhà trường mong Sở Giáo dục, các thầy cô, học sinh và cha mẹ, đặc biệt là VNPT sẽ tiếp tục đồng hành để tổ chức kiểm tra các môn học thành công để chúng ta hoàn thành kết thúc năm học”, thầy giáo Phan Trần Duy Lam  chia sẻ.

Hiện nay, vnEdu được triển khai tại hàng chục nghìn trường học trên khắp 63 tỉnh, thành phố và nhận được sự phản hồi tích cực của các chuyên gia, thầy cô, học sinh và các bậc phụ huynh. Không dừng lại ở một nền tảng học và dạy trực tuyến, vnEdu còn có các ứng dụng như tuyển sinh đầu cấp, kiểm tra đánh giá học sinh, thi học kỳ, xét tốt nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục…

Tính từ đầu đợt dịch, đã có trên 17,7 triệu người sử dụng nền tảng học trực tuyến vnEdu. Lượng người sử dụng mạng xã hội vnEdu hiện tập trung nhiều nhất tại các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương. Riêng người dùng của năm địa phương này đã chiếm tới 52% tổng số người dùng mà vnEdu đang sở hữu.

Phần lớn người dùng của vnEdu ở độ tuổi từ 18-44. Trong đó, 33,5% có độ tuổi từ 25-34, 27,5% có độ tuổi từ 18-24 và 15,5% có độ tuổi từ 35-44. Ở góc độ nhân khẩu học, 54% người dùng mạng xã hội học tập này là nam và 46% là nữ.