Dự kiến trong quý IV năm nay, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quý III năm 2025 tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 5 dự án BOT này.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quá trình Luật PPP ban hành không có quy định thu giá các tuyến đường BOT hiện hữu.
5 dự án BOT trên đường hiện hữu gồm: Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương), dài gần 6km, tổng mức đầu tư khoảng 19.953 tỷ đồng;
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (từ Kinh Dương Vương đến tỉnh Long An), dài 9,6km, tổng mức đầu tư dự kiến 15.897 tỷ đồng;
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3), dài 8,6km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.810 tỷ đồng;
Dự án Nâng cấp đường trục bắc-nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành), dài 8,6km, tổng mức đầu tư khoảng 8.438 tỷ đồng;
Dự án Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh), dài 3,66km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.863 tỷ đồng.
Song từ tình hình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh nên phát sinh nhu cầu đầu tư đặc biệt là các dự án giao thông trên đường hiện hữu, nhằm giúp hiện đại hóa hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh dạn xin Trung ương ban hành cơ chế cho phép đầu tư, khai thác BOT trên các tuyến đường hiện hữu.
Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội cần có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ, bảo đảm được mục tiêu cũng như tính công khai, minh bạch và hiệu quả khi tổ chức thực hiện.
Vì vậy, việc tham vấn, lấy ý kiến, trao đổi với các nhà đầu tư, chuyên gia, đơn vị có chuyên môn rất cần thiết trước khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Quốc lộ 13, một trong 5 dự án BOT trên đường hiện hữu kêu gọi nhà đầu tư. (Ảnh: QUÝ HIỀN) |
Với góc độ nhà đầu tư, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đề nghị: Nếu các dự án BOT này thực hiện nên hạn chế đi trên cao, ưu tiên nghiên cứu đi ngầm, nhất là tại các nút giao để bảo đảm tính thẩm mỹ và cảnh quan.
Về phương án tài chính, ông Mai góp ý cần phải thống nhất tiêu chí mềm là phương án thu hồi vốn cho các dự án khoảng 20 năm, không nên để vòng đời dự án lâu hơn.
Ngoài ra, để minh bạch và công bằng, các dự án cần thu phí theo chặng (km) thay vì phương án thu theo lượt.
“Kinh nghiệm chi phí giải phóng mặt bằng các dự án hầu hết rất cao, vượt qua 50% tổng mức đầu tư.
Do đó, cần thiết phải tính toán tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng do cơ quan Nhà nước làm chủ đầu. Nếu không nhà đầu tư dễ có tâm lý “bỏ chạy”, ông Mai nêu vấn đề.
Đồng tình với quan điểm tách bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố-CII cho rằng: Nên dùng vốn ngân sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tách nội dung này thành dự án riêng.
Đồng thời, nên có quy chế ràng buộc trách nhiệm về bàn giao mặt bằng, thí dụ nhà đầu tư nhận 90% mặt bằng trống thì lúc đó công trình sẽ tổ chức thi công.
Cũng theo ông Bình, phải có chế tài trong hợp đồng PPP nếu trường hợp “chậm thanh toán”.
Lâu nay Luật PPP chưa có quy định rõ, trường hợp nếu nhà nước không thực hiện cam kết với nhà đầu tư thì ai phải chịu trách nhiệm, nhất là kinh phí đầu tư phát sinh.
Trước những băn khoăn của nhà đầu tư việc nên tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, ông Trần Quang Lâm giải thích: Thành phố sẽ có cơ chế thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án BOT và quy định này được Luật cho phép.
Góp ý với Hội nghị, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng: Thành phố nên chọn 1, 2 dự án làm trước, khởi công dịp 30/4/2025 tới đây. Nếu chậm đến cuối quý III năm 2026 khởi công chúng ta phải mất 3 năm nữa mới xong, trong khi Nghị quyết 98 sắp hết thí điểm. Do đó, chúng ta nên nghĩ lại cách làm sao cho hiệu quả, kịp thời.
Theo ông Lịch, việc đầu tư, mở rộng đường là cải thiện hạ tầng giao thông, là cần thiết nhưng không phải làm theo kiểu “dàn hàng ngang” vì thực tế thành phố có rất nhiều dự án cần kíp đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một số dự án không nên mở rộng thái quá như Quốc lộ 13, chỉ mở trên cao 4 làn xe đủ đi lại, ở dưới vẫn lưu thông bình thường…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm đã tiếp thu ý kiến chia sẻ, đề đạt và góp ý tại Hội nghị.
Với thiết kế công trình, ông Lâm yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu và xem xét có phương án tối ưu.
Về vấn đề tài chính, nguồn vốn thực hiện, Sở sẽ tổng hợp báo cáo trình thành phố xem xét nhằm tạo thuận lợi nhất cho công tác kêu gọi nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu các dự án BOT.