Nên làm rõ hơn việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến

NDO - Các chuyên gia đều đồng thuận nhận định cần đánh giá kỹ hơn thực trạng hoạt động của các công ty hoạt động trong lĩnh vực game online để từ đó có đề xuất cụ thể hơn trong trường hợp đánh thuế.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)".

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự án luật đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại dự thảo Báo cáo Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sau đây gọi tắt là dự thảo báo cáo tổng kết), Bộ Tài chính đánh giá: Hiện loại hình kinh doanh điện tử trên mạng (game online) là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

“Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng” - dự thảo báo cáo tổng kết kết luận.

Nên làm rõ hơn việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến ảnh 1

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, cần đánh giá kỹ hơn thực trạng hoạt động của các công ty hoạt động trong lĩnh vực game online dựa trên các số liệu cụ thể về quy mô hoạt động, cơ cấu doanh thu để từ đó có đề xuất cụ thể hơn trong trường hợp đánh thuế.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần hết sức cân nhắc khi áp dụng sắc thuế này và nên học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới về việc đưa ra các hướng dẫn điều tiết hành vi người chơi game, xây dựng văn hóa chơi game, giảm thiểu các rủi ro như nghiện game, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của người chơi game.

Ông Cấn Văn Lực cũng mong muốn sớm có một báo cáo đầy đủ hơn nữa, chính xác hơn về ngành game trong nước, đồng thời đề nghị VCCI tổ chức thêm hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành để làm rõ hơn việc đánh thuế và tính khả thi của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam nêu ý kiến, trong dự thảo đánh giá chưa nêu rõ đối tượng chịu thuế, cơ sở chịu thuế, doanh thu chịu thuế là gì, do đó cần làm rõ hơn về mặt kỹ thuật để xác định xem mục đích đưa ra khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có đạt được hay không.

Nên làm rõ hơn việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến ảnh 2

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không nên đánh đồng tất cả game online đều nguy hại và dự thảo luật cần làm rõ hơn có nên can thiệp bằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online hay không.

“Cần làm rõ thông qua các bằng chứng khoa học, bằng chứng thực tế mối nguy hại của game online với người chơi. Khi cần thiết mới nên đánh thuế, nếu không thì nên sử dụng các biện pháp hành chính. Trong trường hợp áp thuế, cần làm rõ hiệu quả của việc thu thuế so với chi phí thuế, cũng như giảm tác hại của game với người chơi” - ông Phan Đức Hiếu nói.

"Mục tiêu của việc hạn chế nghiện game là cần thiết, nhưng ngoài biện pháp thuế ra còn biện pháp nào tốt hơn, rẻ hơn, ít tác động hơn, cũng như thúc đẩy ngành game phát triển không?", ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề và nhấn mạnh có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông qua việc kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp tăng thu thuế với những đối tượng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Nên làm rõ hơn việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến ảnh 3

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG phát biểu tại hội thảo.

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG thông tin, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu. Rủi ro đầu tư trong lĩnh vực game cũng rất lớn, có rất nhiều sản phẩm, nhiều dự án được đầu tư lớn nhưng không đi được tới việc phát hành thương mại.

Đại diện VNG dẫn thống kê của đơn vị cung cấp dữ liệu Data.ai, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam. Ông Lã Xuân Thắng dẫn số liệu từ Cục Phát thanh Truyền hình tại Hội nghị ngày 23/3/2023: Hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, còn lại là gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ. Ngoài ra, trong trường hợp đánh thuế nhưng không quản lý được game lậu thì sẽ không điều chỉnh được hành vi người dùng.