Được thành lập ngày 4/4/1949, NATO mang sứ mệnh là tổ chức chính trị-quân sự chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ của các thành viên. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, NATO hiện là liên minh quân sự lớn và lâu đời nhất thế giới. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, với thách thức an ninh ngày càng gia tăng, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan đến tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời tìm cách thu hẹp bất đồng trong nhiều vấn đề còn gây tranh cãi trong khối.
Mục tiêu tăng sức mạnh
Chi tiêu quốc phòng của NATO là chủ đề chính tại Hội nghị, trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng có xu hướng đi lên trong toàn liên minh. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hơn 20 quốc gia thành viên sẽ đáp ứng mục tiêu của liên minh quân sự này là dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng trong năm nay. Số nước đáp ứng mục tiêu trên của NATO đã tăng so mức dưới 10 quốc gia ở thời điểm cách đây 5 năm.
Cụ thể, chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên năm 2024 dự kiến tăng 18% và đây là mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên, trong đó 23 quốc gia sẽ chi 2% GDP trở lên. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, khi các nhà lãnh đạo NATO đặt mục tiêu chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP mỗi nước tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2014 chỉ có 3 thành viên gồm Mỹ, Hy Lạp và Anh đáp ứng mục tiêu này. Khi đó, NATO có 28 nước thành viên và hiện nay liên minh quân sự đã có 32 quốc gia.
Trong khi đó, trong nỗ lực tăng cường sức mạnh, NATO mới đây công bố thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới, mang tên Lực lượng phản ứng nhanh đồng minh (ARF). Theo Bộ Chỉ huy tối cao các lực lượng đồng minh châu Âu, bước đi này hết sức quan trọng đối với chính sách răn đe và bảo vệ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, bảo đảm NATO sẵn sàng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước bất kỳ mối đe dọa nào trong môi trường an ninh đang phát triển.
ARF sở hữu những khả năng mà Lực lượng phản ứng nhanh NATO trước đây không có. ARF bao gồm các đơn vị mạng và không gian, cùng lực lượng bộ binh hạng nhẹ có khả năng triển khai một cách nhanh chóng. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa rộng lớn hơn đang được NATO triển khai với mục tiêu xây dựng mô hình lực lượng khoảng 300.000 quân hoạt động trong trạng thái sẵn sàng cao hơn. ARF cũng đóng vai trò một đơn vị mũi nhọn của NATO và có khả năng huy động một lực lượng đa quốc gia được triển khai trong vòng 10 ngày.
Mở rộng quan hệ đối tác
Điểm đáng chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao, khách mời từ các nước Israel, Ai Cập, Jordan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng như các đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chương trình nghị sự của Hội nghị bao gồm các nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ của NATO với 4 đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được gọi là IP4 hoặc IPP.
Cố vấn cấp cao về châu Âu tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng, Đại sứ Michael Carpenter tuyên bố: NATO sẽ không mở rộng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng liên minh này có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác với Hàn Quốc và các đối tác khác trong khu vực. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, NATO và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nhiều lợi ích chung và cơ hội hợp tác tốt hơn trong nhiều vấn đề, như an ninh mạng, chống thông tin sai lệch, xây dựng các căn cứ công nghiệp quốc phòng.
Các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tất cả các thành viên NATO, trong khi an ninh của châu Âu cũng ảnh hưởng đến an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dựa trên nhận thức rằng an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu không thể tách rời, NATO và các nước IP4 đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và NATO đang thảo luận về việc tăng cường hợp tác chống thông tin giả mạo. Sự mở rộng quan hệ đối tác này dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, theo đó thiết lập một khuôn khổ đối thoại mới để thảo luận về các biện pháp chống thông tin giả mạo.
Bên cạnh đó, 4 quốc gia IP4 và NATO cũng cam kết tăng cường hợp tác hỗ trợ Ukraine, cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ an ninh mạng và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến nhất trí rằng các quốc gia IP4 sẽ tham gia các cuộc tập trận an ninh mạng chung trong tương lai của liên minh quân sự.
Thách thức từ chính sách gây chia rẽ
Tại Hội nghị, các nước thành viên NATO sẽ công bố một loạt biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ Ukraine, trong đó có việc thành lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở Đức. Kế hoạch này được gọi là “cầu nối tới tư cách thành viên” dành cho Ukraine nhằm tận dụng sức mạnh thể chế của NATO để phối hợp huấn luyện và hỗ trợ Ukraine phát triển lực lượng tương lai. NATO cũng dự kiến bổ nhiệm một quan chức dân sự làm đại diện cấp cao của khối này tại Kiev, nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa khối đồng minh quân sự và Ukraine.
Hiện 32 nước thành viên liên minh xuyên Đại Tây Dương cam kết hỗ trợ 40 tỷ euro cho Ukraine trong năm tới và giúp Kiev tăng cường năng lực phòng không. NATO cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch của Ukraine nhằm gia nhập liên minh quân sự trong tương lai. Bộ chỉ huy mới ở Đức sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sớm hiện thực hóa tư cách thành viên của Ukraine trong NATO.
Sự hỗ trợ mà NATO dành cho Ukraine tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà NATO dành cho Ukraine tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo, những động thái hỗ trợ của NATO có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, gây ra những hậu quả thảm khốc. Thủ tướng Orban lưu ý rằng, liên minh quân sự mà Hungary gia nhập 25 năm trước là một “dự án hòa bình” và là liên minh quân sự để phòng thủ. Tuy nhiên, NATO đang xa rời mục đích ban đầu, thay vào đó theo đuổi chương trình nghị sự tập trung vào các bước đi khiến căng thẳng leo thang. Nếu tiếp tục xu hướng này, NATO sẽ dần đi đến chỗ tự diệt vong.
Trong ba phần tư thế kỷ, NATO đã trải qua không ít chia rẽ, lục đục nội bộ, nhất là trong việc đưa ra các quyết định dẫn tới các chiến dịch can thiệp quân sự vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ, làm tổn hại hình ảnh của khối. Những bước Đông tiến của NATO giúp liên minh tăng cường sức mạnh, song gây nhiều hệ lụy, tạo sự phân cực sâu sắc, không chỉ cản trở hợp tác quốc tế trong việc giải quyết hàng loạt thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, mà còn khiến tình hình khu vực căng thẳng.
Ở cột mốc kỷ niệm 75 năm thành lập, NATO vẫn là khối quân sự lớn nhất thế giới, có vai trò và ảnh hưởng đáng kể tới cục diện an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, NATO đối mặt với thách thức trong hàng loạt vấn đề, trong đó có việc thống nhất chính sách tăng cường hỗ trợ các đối tác, nhưng phải tránh bị lôi kéo vào một cuộc “chiến tranh nóng”.