Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hải Dương thời gian qua đã gặt hái những thành công nhất định. Các sản phẩm OCOP sau khi được phân hạng giúp nâng cao giá trị, tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể và mở rộng thị trường tiêu thụ.
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương.
Đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương.

Năm 2023, tỉnh Hải Dương công nhận 135 sản phẩm, trong đó có 117 sản phẩm mới (24 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao) và 18 sản phẩm đánh giá lại (10 sản phẩm 4 sao và tám sản phẩm 3 sao).

Tăng doanh số bán hàng

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Giang, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương (Hải Dương) Đào Quang Chuyện chia sẻ: “Xuất phát là sản phẩm làng nghề, bánh đậu xanh Hải Dương từ lâu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trước đây bánh đậu xanh sản xuất rất đơn giản vì chỉ có một loại, được gói bằng giấy bóng cho nên tiêu thụ không được nhiều và thời hạn sử dụng từ 1,5 đến 2 tháng. Nhận thấy xu thế người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng tốt, sản phẩm đa dạng, vì vậy công ty đang sản xuất gần 20 sản phẩm như: Bánh đậu xanh hương vị khoai môn, điều, mát-cha, sầu riêng, dừa, cốm, trái cây… với sản lượng từ 500-700 tấn/năm. Ngoài việc tiêu thụ tại thị trường trong nước ở các hệ thống siêu thị, đến nay công ty đang thí điểm xuất khẩu bánh đậu xanh tới thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình OCOP, sản phẩm bánh đậu xanh có cơ hội phát triển và thị trường tiêu thụ rộng hơn. Trong đó, các chủ thể có sản phẩm OCOP bánh đậu xanh đã sản xuất ra nhiều loại bánh hơn và cách bảo quản tốt giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Hiện nay, mỗi hộp bánh đậu xanh của công ty có nhiều hương vị khác nhau, không có chất bảo quản, có loại thời hạn sử dụng chín tháng”. Đến nay, công ty có chín sản phẩm đạt OCOP 4 sao, trong đó có sản phẩm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia đang được đề nghị công nhận 5 sao. Sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm có nhiều thay đổi để đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, bao bì; doanh số bán ra đã tăng lên 20% và người tiêu dùng trong nước biết đến nhiều hơn.

Xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) là cái nôi sản xuất da giày tại địa bàn, trải qua nhiều thăng trầm, những năm gần đây làng nghề ngày càng phát triển. Hiện nay, xã có hơn 300 hộ làm nghề da giày, thu hút 6.000 lao động tại địa phương và các xã lân cận với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, cá biệt thợ giỏi thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Hiện tại, mỗi năm các làng nghề trên địa bàn bán ra thị trường khoảng 6 triệu đôi giày. Giám đốc Công ty TNHH An Thành Đạt-HD Lê Hoàng Hà cho biết: “Hơn hai tháng trước, sản phẩm giày da Hoàng Hà của công ty được chứng nhận OCOP 3 sao. Công ty là một trong những đơn vị có sản phẩm giày da đầu tiên được “gắn sao” ở xã Hoàng Diệu. Việc được chứng nhận OCOP đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng cho sản xuất, kinh doanh của công ty nói riêng và các làng nghề da giày ở xã Hoàng Diệu nói chung. Khi được chứng nhận OCOP 3 sao, năm 2024 công ty sẽ đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá thông tin sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh số bán, nâng cao thu nhập”.

Mở rộng kênh tiêu thụ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào: “Hải Dương là địa phương có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Ổi, cam, na, nhãn, nấm, chim bồ câu, rươi... Để Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt được kết quả tốt, thời gian qua Sở đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nội dung theo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực tổ chức và hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh kết nối thông tin giúp các sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt hơn ở trong và ngoài tỉnh như: Kết nối thông tin với thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang...”. Đến hết năm 2023, tỉnh Hải Dương có 351 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm 5 sao, 118 sản phẩm 4 sao và 231 sản phẩm 3 sao. Trong đó, nhóm thực phẩm có 293 sản phẩm (chiếm 83%); dược liệu và sản phẩm từ dược liệu với 14 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 17 sản phẩm; đồ uống 23 sản phẩm; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch với bốn sản phẩm.

Tuy nhiên, chương trình OCOP tỉnh Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn do một số địa phương chưa xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực cho nên chưa quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện; nội dung chương trình OCOP mới, đa dạng cho nên ở một số nơi việc nắm bắt chưa đầy đủ, triển khai lúng túng; các sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng chủ yếu đầu tư ở khâu mẫu mã, bao bì, chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ của các sản phẩm OCOP chủ yếu ở trong nước.

Năm 2024, tỉnh Hải Dương phấn đấu có từ 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao. Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, định hướng các chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng hiện đại như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử và định hướng xuất khẩu; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tỉnh ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; trong đó quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, quốc gia…