Để đạt mục tiêu, Hải Dương tập trung hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, phát triển các sản phẩm đăng ký mới; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các bên tham gia, tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền; đưa đề án OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy và kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương. Cùng đó, tỉnh xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai. Xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP. Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP; phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nhóm, hộ gia đình tham gia; khuyến khích mở rộng sản xuất, kinh doanh đối với một số hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực theo nhu cầu của thị trường. Tỉnh sẽ mở rộng đối tác hỗ trợ thực hiện đề án OCOP như: các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư...
* Bên cạnh những dự án khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống của địa phương, nhiều đề tài ứng dụng công nghệ mới trên các lĩnh vực môi trường, đời sống xã hội tại tỉnh Bình Định đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện các đề tài, dự án áp dụng khoa học - công nghệ vào đời sống, sản xuất như: ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp thủy canh, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh... Tại tỉnh Bình Định, nhiều dự án khởi nghiệp từ sản phẩm truyền thống đã xuất hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển.
Theo Tỉnh đoàn Bình Định, phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh mẽ; nhiều dự án của đoàn viên, thanh niên có những sản phẩm hiệu quả. Từ “Quỹ thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ nguồn vốn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở thực hiện sản phẩm OCOP địa phương. Nhiều dự án khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp truyền thống, theo hướng xanh, an toàn, do đó việc kết nối đầu ra cho sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Điều đó cũng đòi hỏi các tổ chức khởi nghiệp phải hoàn thiện quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn; hợp tác với những công ty đã chuẩn hóa được quy trình để sản xuất; đồng thời, tìm cách chủ động được nguồn nguyên liệu để có thể hoạt động ổn định, lâu dài.