Nâng chất lượng sản phẩm OCOP Quảng Trị

NDO - Tỉnh Quảng Trị có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, tỉnh có 90 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sao. Các chủ thể OCOP bao gồm 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 12 hợp tác xã , 4 tổ hợp tác, 20 hộ sản xuất, kinh doanh. Sau khi được công nhận, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ tốt hơn và thu nhập cho người dân cũng tăng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng trao chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng trao chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bước tiến về chất lượng

Cà gai leo An Xuân là sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân. Đại diện công ty, bà Lê Hồng Nhạn cho biết, với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng nguồn dược liệu sạch để chữa bệnh, An Xuân đã xây dựng vùng chuyên canh cà gai leo tại vùng đồi thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.

Cà gai leo là cây thuốc quý đã được nhiều công trình khoa học chứng minh có tác dụng giải độc gan, giải độc rượu. Để có sản phẩm tốt, công ty đặc biệt chú trọng từ khâu gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch. Sản phẩm được đóng gói bằng màng phức hợp 3 lớp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng tin tưởng, tỷ lệ bán ra tăng hằng năm, doanh thu nhiều tỷ đồng.

Thêm một sản phẩm nổi tiếng khác là nước mắm Mỹ Thủy của Tổ hợp tác sản xuất nước mắm Mỹ Thủy, được công nhận là sản phẩm OCOP 3. Anh Phan Thanh Việt, Trưởng Ban điều hành làng nghề nước mắm Mỹ Thủy cho biết, trước đây khi chưa được công nhận 3 sao sản phẩm chủ yếu bán trong tỉnh, nay đã vươn ra tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Nước mắm Mỹ Thủy xã Hải An, huyện Hải Lăng thơm ngon đặc trưng, được hình thành từ cách chế biến thủ công truyền thống. Bình quân mỗi hộ làm ra được khoảng 15 lít nước mắm/ngày. Nguồn thu mang lại từ nghề chế biến nước mắm ở Mỹ Thủy đã đóng góp quan trọng vào tổng thu của toàn xã. Nếu như năm 2010, làng Mỹ Thủy có doanh thu bán nước mắm được 7,2 tỷ đồng, đến cuối năm 2021, số lượng nước mắm bán ra của tổ hợp tác đạt gần 1 triệu lít, mang lại doanh thu gần 20 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị Trần Trọng Tuấn cho biết, Chương trình OCOP đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Chương trình đã có tác động lớn, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn.

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP Quảng Trị ảnh 1

Các sản phẩm OCOP của huyện Hải Lăng.

Các sản phẩm OCOP được xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn tỉnh có 90 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm hạng 4 sao, 72 sản phẩm hạng 3 sao. Phân nhóm thì thực phẩm có 79 sản phẩm, nhóm đồ uống 1 sản phẩm, nhóm thảo dược 8 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ trang trí 2 sản phẩm. So với cách đây 3 năm, hiện có 47/51 chủ thể có doanh thu bán sản phẩm tăng lên.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phân tích, nhận diện, tuy sản phẩm OCOP của Quảng Trị có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại thực trạng các địa phương chưa tập trung mạnh cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù, cho nên giá trị sản phẩm OCOP cũng như hiệu quả của chương trình vẫn chưa cao. Việc phát triển sản phẩm chưa có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm; các địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn, có kế hoạch đồng bộ, chi tiết, xem xét các sản phẩm tương đồng trong nước và nước ngoài để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, để phát triển chất lượng và khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP thì cần tăng cường vai trò của hợp tác xã. Đóng góp của hợp tác xã và tổ hợp tác trong việc phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP rất quan trọng.

Hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm OCOP

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong và nước ngoài để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao đời sống cho người sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã có các cơ chế, chính sách tiếp tục tăng cường, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cho từng sản phẩm OCOP.

Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Trị đã phối hợp Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh giới thiệu danh mục, thông tin sản phẩm OCOP của tỉnh trên hệ thống ngành toàn quốc. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP, như kết nối cung cầu, tham gia các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP đến các địa phương, các nhà phân phối, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước. Tiêu biểu là tổ chức tuần lễ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Trị tại siêu thị Coopmart, tại sự kiện đã có 47 biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được ký kết.

Ngoài ra, Văn phòng điều phối còn phối hợp hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng OCOP và sản phẩm chủ lực trên địa bàn thành phố Đông Hà, qua đó tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel post đưa 90% sản phẩm OCOP, cung cấp danh sách các hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn.

Trong nỗ lực cố gắng đưa sản phẩm OCOP tốt nhất đến người tiêu dùng, Quảng Trị có 3 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba gồm Công ty TNHH một thành viên Từ Phong, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân và Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị.

Nâng chất lượng sản phẩm OCOP Quảng Trị ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP của thành phố Đông Hà.

Theo đồng chí Hà Sỹ Đồng, thời gian đến, Quảng Trị cần nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2019; hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2019- 2021. Tỉnh xác định mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 đến 3 sản phẩm 5 sao, 15 đến 20 sản phẩm 4 sao, có 1 đến 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh từ 5 đến 7 sản phẩm. Phấn đấu có 30% sản phẩm doanh thu tăng từ 8 đến 10%, hầu hết sản phẩm có giá bán tăng 5 đến 10%.

Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quản lý chất lượng sản phẩm, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trên cả nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP một cách đặc biệt hơn nữa để tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, châu Âu và Mỹ.