Nỗ lực nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu được thấy rõ tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra tại thành phố Kazan, Liên bang Nga.
Trên cương vị Chủ tịch BRICS năm 2024, Nga lựa chọn chủ đề của Hội nghị là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”. Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì một trật tự thế giới đa cực công bằng, dân chủ hơn là chủ đề được thảo luận xuyên suốt các cuộc họp và hoạt động trong khuôn khổ hội nghị.
Các nhà lãnh đạo BRICS nhận định, nỗ lực cải cách các thể chế đa phương và hệ thống tài chính quốc tế hiện bị trì hoãn. Đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, song BRICS cho rằng, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cần được cải tổ để bảo đảm hiệu quả hoạt động, trong đó mở rộng sự đại diện của các quốc gia châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin.
BRICS cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình cải cách các hệ thống tài chính quốc tế trở nên toàn diện và công bằng hơn. Tuyên bố Kazan được đưa ra tại hội nghị khẳng định lại sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cởi mở, minh bạch, công bằng, toàn diện, với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là cốt lõi, cùng các quy chế đối xử đặc thù với những nước đang phát triển và nước kém phát triển nhất.
Những nội dung nêu trên được nêu bật tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16. Hơn 30 nhà lãnh đạo, đại diện cấp cao các thành viên BRICS và khách mời, trong đó có các nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin, tham dự hội nghị theo hình thức mở rộng này, khẳng định sức hút ngày càng lớn của BRICS.
Đầu năm 2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chính thức tham gia BRICS. Qua đó, BRICS hiện chiếm gần một nửa dân số thế giới và hơn một phần ba GDP toàn cầu.
Các nhà phân tích nhận định, khi mà vị thế và tầm ảnh hưởng của BRICS ngày càng được nâng cao, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển xem đây là nền tảng để cân bằng chiến lược, đa dạng hóa quan hệ kinh tế và nâng cao tiếng nói trong quản trị toàn cầu.
Không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của nhóm “những viên gạch vàng”, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng thể hiện sự coi trọng của BRICS với các quốc gia đang phát triển.
Chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” của Hội nghị cho thấy mong muốn tìm tiếng nói chung về một loạt vấn đề cấp bách hiện nay, như phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới… Nước Chủ tịch BRICS năm 2024 nêu rõ, BRICS sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ở Nam bán cầu để thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững, hướng tới xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà chủ quyền, lập trường và lợi ích của mỗi quốc gia đều được tôn trọng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định BRICS không phải là một nhóm khép kín, mà mở ra với những quốc gia cùng chia sẻ các giá trị chung. Hội nghị ở Kazan, các nhà lãnh đạo BRICS đã xác định các tiêu chí và quy định về “danh mục quốc gia đối tác”.
Tuyên bố Kazan khẳng định, BRICS tin tưởng rằng, việc mở rộng quan hệ đối tác với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn cầu.