Gặp khó khi chuyển sang tự chủ về tài chính
Tỉnh Quảng Trị hiện có 6 đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025 và thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các bước theo quy định bảo đảm đạt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ là đến năm 2025 có tối thiểu 20% số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% số đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần, hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 20% số đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW khó đạt được, do Quảng Trị là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội đang ở mức trung bình so với cả nước, đời sống người dân còn khó khăn, mật độ dân số phân bố không đồng đều; mức độ xã hội hóa các dịch vụ công chưa cao. Ðáng chú ý, số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập chiếm đến 79,1% trong tổng số đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng hầu như chưa có quy định để đẩy mạnh tự chủ, cho nên nguồn thu thấp.
Ðối với tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công lập chỉ thực hiện được đối với một số danh mục sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước, còn lại hầu hết chưa được ban hành; nguyên nhân là do chưa được các bộ, ngành hướng dẫn kịp thời, đồng bộ. Từ đó dẫn đến việc thực hiện phân loại tự chủ tài chính, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ (tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) còn hạn chế; mức độ tự chủ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực sự nghiệp kinh tế dễ thu lợi nhuận và tập trung ở các địa phương vùng đồng bằng, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ phí, từ các hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp của một số đơn vị sự nghiệp công lập không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng tăng mức độ tự chủ để tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Thí dụ như lĩnh vực y tế, nguồn kinh phí hoạt động của các đơn vị khám, chữa bệnh phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; song những khó khăn trong việc cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị khám, chữa bệnh chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tại tỉnh Thái Bình, việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp chưa có hướng dẫn của bộ chuyên ngành về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của đơn vị mới, cho nên còn mang tính chất cộng dồn chức năng, nhiệm vụ. Việc thực hiện chỉ tiêu chuyển đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, hoặc chuyển thành công ty cổ phần gặp khó khăn, vì các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh chủ yếu là các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục-đào tạo (chiếm 86,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập), nguồn thu chủ yếu là học phí còn lại là ngân sách nhà nước cấp bảo đảm. Các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại quy mô nhỏ, nguồn thu sự nghiệp không cao, do vậy việc chuyển đổi các đơn vị này sang hoạt động theo cơ chế tự chủ gặp nhiều khó khăn, trở ngại…
Tăng cường tự chủ trong hoạt động
Tại hội nghị giữa Bộ Nội vụ với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, nhiều ý kiến khẳng định, đẩy mạnh chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính là hướng đi đúng đắn và cần phải quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài Bộ Nội vụ thì hầu hết các bộ, ngành chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu để địa phương có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành danh mục áp dụng. Các bộ, ngành Trung ương cũng chưa ban hành, hoặc đã ban hành nhưng chưa phù hợp thực tiễn về định mức kinh tế-kỹ thuật của các lĩnh vực để địa phương triển khai việc xây dựng giá, phí dịch vụ.
Vấn đề cần lưu ý hiện nay là, hầu hết các tỉnh, thành phố có số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập lớn (chiếm khoảng 80% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập), nhưng các quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ hoàn toàn về tài chính còn chậm, chưa được ban hành, cho nên mục tiêu có 20% số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính vào năm 2025 khó đạt được. Nhiều ý kiến đề nghị, Trung ương sớm sửa đổi, thay thế Nghị định số 81/2021/NÐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; ban hành quy định về chuyển các trường mầm non, trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện xã hội hóa cao ra ngoài công lập; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để địa phương có cơ sở thực hiện.
Nhìn nhận ở góc độ tổng thể, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương cho rằng, hiện nay, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, nhất là những yếu kém trong quản trị, do chưa định hình rõ nét mô hình quản trị hiệu quả. Vì vậy, quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải dựa trên cơ sở pháp luật, đồng nghĩa cần bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, pháp luật đầy đủ, đồng bộ và phù hợp thực tiễn hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp nhu cầu của công dân và xã hội.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và hoạt động. Chính phủ cần đẩy mạnh cơ chế nhà nước đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trên cơ sở định giá kinh tế thị trường nhằm bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức ngoài công lập; mở rộng tính tự chủ, khả năng tìm kiếm lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phép cổ phần hóa đối với đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư từ các chủ thể ngoài công lập vào các lĩnh vực công, từ đó thúc đẩy khả năng tự đổi mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các đơn vị sự nghiệp công lập.