Tiếp tục đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

NDO - Chiều 16/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Tham dự có đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

Theo Dự thảo Báo cáo sơ kết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật như giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập góp phần tinh gọn đầu mối, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tăng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 ở một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, chưa rõ thời gian thực hiện; việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, khả thi; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt công tác sơ kết theo phạm vi lĩnh vực được phân công; chủ động tổ chức hội thảo, hội nghị sơ kết lĩnh vực do bộ, cơ quan phụ trách.

Đặc biệt là các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học phục vụ công tác sơ kết “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cho đến nay, 63/63 tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã hoàn thành công tác sơ kết và gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo, đã được Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo tổng hợp khá toàn diện, đầy đủ, với các tài liệu gửi xin ý kiến của các cơ quan và các thành viên Ban Chỉ đạo, gồm: Dự thảo Báo cáo tổng hợp, Tờ trình, Kết luận.

Đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định, việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng, đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, tổng hợp đánh giá cho thấy, việc triển khai thực hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.

Để làm rõ hơn, toàn diện, sâu sắc hơn tình hình và kết quả cũng như kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sâu thêm về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết gắn với nhiệm vụ được giao đối với từng cơ quan liên quan; tham gia ý kiến về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi xung quanh Dự thảo Báo cáo sơ kết, Tờ trình Bộ Chính trị, Dự thảo Kết luận với những nội dung cụ thể như kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của việc thực hiện Nghị quyết số 19; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trong Dự thảo Kết luận và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao ý kiến phát biểu cụ thể, sâu sắc và toàn diện của các đại biểu. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, đồng chí yêu cầu Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo đảm bảo chất lượng cao nhất và đúng với kế hoạch đã đề ra.