Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Giải bài toán về đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Các đơn vị sự nghiệp công lập có vị trí quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017, về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các đơn vị này.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Tuấn)
Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Từ thực tiễn, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Bài 1: Cơ chế, chính sách dẫn dắt mở đường

Ðánh giá công tác sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian vừa qua, hầu hết các địa phương đều khẳng định cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng xuất hiện nhiều trở ngại, "điểm nghẽn" liên quan đến cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn.

Nhiều kết quả tích cực

Năm 2017, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Sau 5 năm tự chủ toàn diện và triệt để, trường đã có bước tiến mới, thành công trong công tác tuyển sinh; mở rộng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế; tăng ngân sách; thành tích học tập sinh viên nâng cao…

Ðể đạt kết quả đó, nhà trường đã thực hiện tự chủ sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực với nhiều giải pháp như: đổi mới phương pháp dạy và học; tăng cường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp; có chính sách thu hút người tài; xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng; tận dụng mọi nguồn lực để tự chủ, đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng…

Các đơn vị công lập tự chủ như mô hình sáp nhập trường đại học vào tổ hợp đại học (Trường đại học An Giang sáp nhập vào Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); mô hình Bệnh viện Ðại học Y trực thuộc Trường đại học Y dược; mô hình hoạt động như doanh nghiệp của Ðài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam… là những thành công tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Qua kết quả thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế và bước đầu hoạt động hiệu quả. Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực chiếm số lượng lớn trong tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ðiều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm đạt 254.519,6 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng giá trị tăng thêm (tỷ lệ lớn nhất) của hoạt động sự nghiệp công lập. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm đạt 154.514,8 tỷ đồng, chiếm 32,5%. Giá trị tăng thêm hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 24.902 tỷ đồng, chiếm 5,2%. Giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông đạt 12.843 tỷ đồng, chiếm 2,7%... Năm 2020, các ngành dịch vụ đóng góp khoảng gần 40% GDP, trong đó dịch vụ sự nghiệp công đóng góp 5,92% GDP.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Bộ Tài chính cho biết, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25 nghìn tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262 nghìn biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Bộ Tài chính cho biết, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25 nghìn tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262 nghìn biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản.

Cũng theo Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm năm 2021, cả nước có 52,5 nghìn đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016. Lao động sự nghiệp là gần 2,4 triệu người. Ðây là lực lượng giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người dân, mọi gia đình và toàn xã hội, như dịch vụ y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể dục-thể thao,...

Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đến khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân, với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý.

Theo Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm năm 2021, cả nước có 52,5 nghìn đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016. Lao động sự nghiệp là gần 2,4 triệu người.

Những kết quả trên cho thấy, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đi vào cuộc sống. Việc thực hiện sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực.

Số đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,5% so với năm 2015, vượt mục tiêu của Nghị quyết trong giai đoạn 2015-2021. Số biên chế thực hiện tinh giản bảo đảm mục tiêu đề ra, năm 2021 giảm 11,79% so với năm 2015.

Ðội ngũ viên chức sau khi sắp xếp, tinh giản biên chế đã yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, tăng cường phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.

Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp khó khăn. Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập vào Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã bộc lộ một số hạn chế. Ðó là, chính sách thu nhập và chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút giảng viên giỏi đồng thời đã xảy ra việc "chảy máu chất xám". Các đơn vị hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra sự phát triển đồng bộ và chưa phát huy được lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả còn gặp nhiều khó khăn và kéo dài do bị vướng mắc về thủ tục tài chính…

Nhà trường cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thiếu đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thống nhất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thông thoáng cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả hơn.

Luật sư Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đánh giá, hằng năm ngân sách nhà nước vẫn phải chi một số tiền rất lớn nhằm duy trì hoạt động tại các hệ thống bệnh viện công. Ðiều này tạo ra một số vấn đề bất hợp lý. Ðó là tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, không tạo ra sự chủ động, linh hoạt trong công tác đầu tư, phát triển và nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Khi không rõ ràng cơ chế, các bệnh viện công không thể linh hoạt để tạo ra các giá trị kinh tế, điều này vừa ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn vừa không bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế khiến họ không muốn và không thể gắn bó, toàn tâm toàn ý với đơn vị mà họ đang làm việc.

Khi không rõ ràng cơ chế, các bệnh viện công không thể linh hoạt để tạo ra các giá trị kinh tế, điều này vừa ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn vừa không bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế khiến họ không muốn và không thể gắn bó, toàn tâm toàn ý với đơn vị mà họ đang làm việc.

Việc sử dụng kinh phí từ ngân sách dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí và thất thoát ngân sách nhà nước. Thí dụ, một chiếc máy chụp CT mỗi bệnh viện mua một giá, tuổi thọ ở mỗi nơi cũng khác nhau. Có bệnh viện mua quá nhiều vượt nhu cầu sử dụng nhưng có nơi lại không được đầu tư để mua sắm trang thiết bị. Việc đầu tư ngân sách vào bệnh viện công nhằm bảo đảm an sinh xã hội thực chất là đầu tư qua một thậm chí là nhiều cấp trung gian, từ đó khiến việc đầu tư không thiết thực, hiệu quả. Ở bệnh viện công hiện nay vì chưa thực hiện theo luật chính thức nào nên việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn. Các máy móc, trang thiết bị được đầu tư từ ngân sách nhằm bảo đảm an sinh nhưng trên thực tế nhiều nơi lại sử dụng vào mục đích kinh doanh, điều này khiến người dân là đối tượng được bảo đảm an sinh không được thụ hưởng những ưu đãi của Nhà nước.

Ðược đánh giá là phát triển tốt, nhưng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lại vướng mắc khi chưa có sự thống nhất giữa Ðảng ủy và Hội đồng nhà trường về lựa chọn người đứng đầu. Thực tiễn này đang đặt ra bài toán không chỉ ở các cơ chế chính sách tài chính mà còn cả trong công tác tổ chức, cán bộ.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, hiện còn rất nhiều rào cản, vướng mắc trong đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; phải rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ và liên thông, nhất quán toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách. Ðây là việc khó, nếu chúng ta không quyết tâm, không có phương pháp thì khó có thể thực hiện được tự chủ. Vấn đề này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, và trước hết là người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan chủ quản.

(Còn nữa)