Nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá

NDO - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hút thuốc lá gây ra những tác hại khôn lường đến sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, chúng ta cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Phú Yên xử lý vi phạm liên quan đến thuốc lá
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Phú Yên xử lý vi phạm liên quan đến thuốc lá

Đây là những ý kiến của các chuyên gia đưa ra nội tại Hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 23/5, tại Hà Nội.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đã chia sẻ cụ thể về tình hình sử dụng thuốc lá, những tác hại đến sức khoẻ, kinh tế và đề xuất, kiến nghị.

Nhiều tác hại từ thuốc lá

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: “Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi đã giảm từ 22,5% năm 2015, xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới giảm từ 45,3% năm 2015, xuống 42,3% năm 2020.

Đối với lứa tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá có giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022, trong đó nam giới giảm từ 6,3%, xuống 4%, nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015, lên 0,2% năm 2020.

Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm, như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 86,2%.

Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và địa phương, đã giúp công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%. Với các kết quả như trên, theo ước tính của WHO, Việt Nam đã phòng tránh được 280 nghìn ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%).

Đẩy mạnh truyền thông

Theo chia sẻ của Giám đốc Tổ chức HeathBridge Việt Nam, BS. Nguyễn Thị An, khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Với chất nicotine trong thuốc lá sẽ gây nghiện, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên.

Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động, chất lượng giống nòi. Với khoảng hơn 15 triệu người hút thuốc (năm 2020), Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.

Giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ hút thuốc người trưởng thành giảm chậm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động vẫn ở mức cao. Riêng trong năm 2020, số tiền chi mua thuốc lá của người Việt Nam là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh/ tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá khoảng 1% GDP cả nước năm 2014, tương đương 24 nghìn tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường, xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…

Bên cạnh đó, do việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo/ khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm,… vẫn còn phổ biến; thanh thiếu niên có thể mua thuốc lá dễ dàng mà không bị từ chối; giá thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức rất rẻ, dễ tiếp cận với thanh thiếu niên, người có thu nhập thấp,… Trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá thế hệ mới nhưng chưa có quy định cụ thể để quản lý, xử phạt vi phạm, dẫn tới việc kinh doanh buôn bán và sử dụng tràn lan.

Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt, quản lý, xử lý các vi phạm liên quan. Có chế tài xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Luật Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, giáo viên trong nhà trường, trẻ em trong phòng chống tác hại của thuốc lá.