Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế

NDO - Trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị, kinh tế, tài chính toàn cầu biến động phức tạp, khó lường, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết, tạo nền tảng phục hồi và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu trong Phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu trong Phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9.

Trên đây là chia sẻ của Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV trong Phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế-tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước trước tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài.

Đánh giá theo các tiêu chí sức mạnh kinh tế-tài chính, sức mạnh thể chế và quản trị vĩ mô, môi trường-xã hội, ông cho rằng năng lực chống chịu của Việt Nam ở mức trung bình khá (0,57 điểm).

Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, các chỉ tiêu kinh tế-tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế ảnh 1

Quang cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển cân bằng thị trường tài chính, tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào…

Ông cũng nhấn mạnh cần có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ-kỹ thuật, năng lực chuyên môn-kỹ năng, trong đó cần coi trọng nguồn lực kinh tế tư nhân trong nước, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Tiến sĩ Cấn Văn Lực lưu ý, quan trọng hơn vẫn là sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó.

Tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023

Trình bày tham luận tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định nền kinh tế nước ta có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ. Theo dự báo của một số tổ chức tín dụng quốc tế, khả năng tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 7%, cao hơn mục tiêu đã đề ra.

Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh tác động mạnh của diễn biến phức tạp của tình hình kinh, lạm phát, giá cả, thương mại thế giới đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitchs, Moody’s, S&P, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.

Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021; nhiều giải pháp kịp thời về thuế, nguồn cung, hỗ trợ giá... đã được triển khai để giảm giá xăng dầu trong nước…

Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế ảnh 2

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu trong Phiên toàn thể.

Tuy nhiên, theo ông Phương, tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023; xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam (WB dự báo GDP Việt Nam tăng 7,5% năm 2022, nhưng năm 2023 là 6,7%...)

Ông cũng chỉ ra thách thức khác mà nền kinh tế đang đối mặt, như áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh và bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Ông Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động-việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.