Bộ trưởng Tài chính: Cần quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất

NDO - Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đất được sử dụng cho mục đích cho thuê chỉ được phép dùng để phát triển sản xuất kinh doanh trên mục đích cho thuê đó, còn khi không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi lại để đấu giá, hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức khác sử dụng một cách hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế sáng 18/9. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế sáng 18/9. (Ảnh: DUY LINH)

Chia sẻ quan điểm về sửa đổi Luật đất đai trong Phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội” sáng 18/9, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương là “kim chỉ nam” trong việc định hướng để xây dựng luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

Bộ trưởng nêu 3 vấn đề cần quan tâm, một trong số đó là chênh lệch địa tô. Bộ trưởng nêu thí dụ, ở một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, có tình trạng doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang thương mại hoặc đất ở, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn, vì chỉ cần một quyết định hành chính có thể làm mất đi hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ; và cần có cơ chế bịt lỗ hổng này.

“Việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ. Đất được sử dụng cho mục đích cho thuê chỉ được phép dùng để phát triển sản xuất kinh doanh trên mục đích cho thuê đó, còn khi không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi lại để đấu giá, hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức khác sử dụng một cách hiệu quả hơn. Điều đó sẽ tạo động lực phát triển, hay nói cách khác là tạo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Liên quan đến giá đất, Bộ trưởng Tài chính cho biết có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng chưa thật sự nhất quán, chính xác, do đó đã tạo nên một số lỗ hổng.

Bộ trưởng Tài chính: Cần quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất ảnh 1

Quang cảnh Phiên hội thảo chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế. (Ảnh: DUY LINH)

“Khi chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay đa số là sử dụng phương pháp thặng dư, nhưng phương pháp thặng dư rõ ràng là phương pháp không không chính xác. Bởi vì, giá trị doanh thu của chúng ta và chi phí đầu tư của chúng ta đều giả định mà khi đã giả định thì sẽ không chính xác và không chính xác thì gây ra rủi ro pháp lý. Ngoài ra cũng tạo nên rủi ro cho doanh nghiệp và rủi ro cho bản thân những người làm cơ quan nhà nước...”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian tới cần phải rà soát lại để định ra phương pháp định giá đất phù hợp nhất, chính xác, nhất nhất quán nhất.

Về vấn đề giao đất, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần quy định thời điểm xác định giá đất đến thời điểm giao đất không quá 6 tháng, như thế mới bảo đảm được độ chính xác và khi nộp tiền vào ngân sách mới tiến hành giao đất.

Ba nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai

Đề cập các nội dung cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, 11 nhóm chính sách lớn của Nghị quyết 18 đều là các vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến nền tảng của nền kinh tế, đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, trong quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung và hình thức, và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn tài nguyên đất đai - một nguồn tài nguyên đặc biệt. Làm được điều này sẽ bảo đảm công bằng, bình đẳng cho các bên, giải quyết được nhu cầu sử dụng đất, giải quyết được các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bộ trưởng Tài chính: Cần quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất ảnh 2

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại Phiên hội thảo.

Liên quan định giá đất, tài chính đất đai, Bộ trưởng cho biết vấn đề này vẫn còn tồn tại nhận thức khác nhau và còn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Theo đó, nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, sẽ giúp giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước, người dân có đất, người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp. Đồng thời, giải quyết được các vấn đề hiện nay như đầu cơ, thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả…

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai cũng là một nội dung đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Thông qua dữ liệu đất đai sẽ giúp giám sát được nguồn lực, giúp người dân tiếp cận các thông tin đất đai một cách công bằng, công khai, bình đẳng, đồng thời cải cách thủ tục hành chính để hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn.

Mở rộng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh là thành công của cải cách thể chế kinh tế

Phát biểu tại Phiên thảo luận, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc mở rộng và bảo đảm an toàn, quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp là một trong những thành công nhất trong quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ trưởng Tài chính: Cần quản lý chặt chẽ mục đích sử dụng đất ảnh 3

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phát biểu ý kiến tại Phiên hội thảo. (Ảnh: DUY LINH)

Từ mức doanh nghiệp, người dân được quyền kinh doanh những gì mà cơ quan Nhà nước cho phép đã chuyển sang mức doanh nghiệp, người dân được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, tiến đến hiện nay là doanh nghiệp, người dân được quyền kinh doanh những gì mà luật không cấm.

Cùng với đó, danh mục bị cấm đã được thu hẹp hơn, quy định rõ ràng hơn; danh mục về ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng đã được xác định ngắn hơn, cụ thể hơn.

Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng CIEM, hạn chế về thể chế cần khắc phục là sự hay thay đổi, không đoán định được, sự bất định trong việc thực thi, tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Những yếu tố này tạo ra rất nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh, khiến doanh nghiệp không đầu tư lớn, không đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, do đó kìm hãm động lực phát triển của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Cung đề xuất trong thời gian tới, cần giảm bớt việc ban hành các Thông tư và tiến tới bãi bỏ; đồng thời các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn cũng cần quy định rõ nguyên tắc và phạm vi hướng dẫn, không thực hiện tùy nghi; ngoài ra cần nâng cao chất lượng các luật khung, luật ống…

Liên quan đến chính sách đất đai, Giám đốc quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cho biết việc quản lý tài chính đất đai ở Việt Nam đã được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Cùng với đó, giá trị của đất khó có thể xác định trong môi trường phát triển năng động, việc thu hồi đất hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tái định cư là những vấn đề quan trọng đòi hỏi cần có giải pháp cụ thể. Theo Giám đốc ADB, Chính phủ cần xem xét bỏ những hạn chế liên quan đến đất nông nghiệp, đất trồng lúa; tính toán thuế đối với đất; thất thoát nguồn thu từ đất; hệ thống thông tin về đất đai, tiếp cận thông tin minh bạch.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu thực tế việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn. Các tỉnh, thành phố hầu như không có chính sách riêng cho đối tượng này, chủ yếu dành nguồn lực cho các dự án lớn, các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, ông cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai bên cạnh tăng cường đấu giá, đấu thầu sử dụng đất cũng cần có chế định khác để doanh nghiệp nhỏ và vừa có có hội tiếp cận. Bên cạnh đó, cần khuyến khích có đất để sản xuất công nghiệp, nếu giá đất để sản xuất công nghiệp quá cao thì hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.