Nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Chiều 23/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật cho công chức, viên chức các sở Thông tin và Truyền thông và phóng viên, biên tập viên báo, đài Trung ương và địa phương để triển khai Dự án 6-Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đánh giá: Thời gian qua, với sự quan tâm đặc biệt và nguồn lực đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên.

Âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tạo dựng “ngọn cờ” tiến tới lập “tổ chức chính trị đối lập”, nhất là ở địa bàn chiến lược, đã được Đảng và Nhà nước ta nhận diện rõ và có giải pháp hữu hiệu đấu tranh vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số vấn đề bức xúc về đời sống của đồng bào chưa được giải quyết thấu đáo; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo chưa bền vững; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hệ thống chính trị một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng chặt phá rừng, tranh chấp đất đai, buôn bán người, buôn bán ma túy... còn diễn biến phức tạp; các yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định an ninh, trật tự chưa được xử lý triệt để, có thể tiếp tục phát sinh điểm nóng mới.

Trong thời gian tới, các yếu tố nêu trên có thể tác động tiêu cực đến tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đây là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng gia tăng hoạt động chống phá cách mạng nước ta.

Hơn nữa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cùng nhiều loại dịch bệnh khác đã và đang gây hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhằm hạn chế, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về bài học kinh nghiệm trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, các ý kiến nhấn mạnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý nhà nước của chính quyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc; cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất, phân công, phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Thường xuyên quan tâm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ cho vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề thiết thân trong cuộc sống, những vấn đề bức xúc phát sinh.

Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc người dân tộc thiểu số; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc trong tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp phù hợp với tỷ lệ dân số giữa các dân tộc trong địa bàn.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đối với công tác dân tộc, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ cho vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với công tác tuyên truyền, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề thiết thân trong cuộc sống, những vấn đề bức xúc phát sinh.