Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã

NDO - Ngày 2/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng hợp tác xã: Thực trạng và giải pháp”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì với sự tham dự của đại diện các vụ, cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các tổ chức tín dụng, các hợp tác xã.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn, cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là Hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ.

Tuy nhiên, thực tế tình hình cấp tín dụng đối với khu vực này đến nay vẫn khá “èo uột”. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã mới đạt 6.316 tỷ đồng với gần 1.200 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ. Dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2022 đạt 5.884.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.0167 tỷ đồng.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian tới, bám sát chủ trương tại Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc “tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả“, Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số nhiệm vụ:

Cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn có hiệu quả, hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, hợp tác xã đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật;

Thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của hợp tác xã để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của hợp tác xã; Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với hợp tác xã ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế;

Thường xuyên nắm bắt và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vay vốn của hợp tác xã, trong đó chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp các sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các đơn vị liên quan nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn.

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận một số nội dung chính, bao gồm: Đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện hơn những vấn đề lý luận chung về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho loại hình kinh tế hợp tác xã; nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng đối với hợp tác xã;

Phân tích kinh nghiệm thực tiễn của một số tổ chức tín dụng trong cung ứng vốn tín dụng cho các hợp tác xã tại Việt Nam; Phân tích, đánh giá các cơ chế, chính sách hỗ trợ và thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với hợp tác xã; chỉ ra các rào cản và tồn tại, hạn chế làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này…