Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay để tập trung sản xuất phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến…
0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần quốc tế Dony (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đóng gói sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần quốc tế Dony (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hơn ba tháng qua, bà Tuyết Mai, chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt tại huyện Bình Chánh, lo lắng vì không xoay đâu ra vốn để nhập nguyên liệu sản xuất hàng Tết. “Tôi đến nhiều ngân hàng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì hết tín dụng.

Vay nóng thì lãi suất quá cao, lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Ngành hàng thực phẩm cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết, nếu không có vốn để mua trữ nguyên liệu thì coi như toàn bộ kế hoạch sản xuất có nguy cơ đổ bể”, bà Tuyết Mai cho biết. Mới đây, biết thông tin một số ngân hàng thương mại nới rộng cho vay trở lại, bà Tuyết Mai liền làm hồ sơ để được xét duyệt vốn sớm. Theo bà, doanh nghiệp được “rót” vốn lúc này như “đang nắng hạn gặp mưa rào”...

Bước vào cao điểm nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng thêm khoảng 60%. Do đó, thông tin các ngân hàng thương mại được nới tín dụng được doanh nghiệp rất phấn khởi để đẩy mạnh sản xuất đón nhu cầu cuối năm.

“Doanh nghiệp nào cũng mong muốn điều này để đáp ứng giá nguyên, vật liệu tăng cao. Với kế hoạch những tháng cuối năm, đặc biệt là kế hoạch sản xuất hàng Tết, nhu cầu vốn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng nới tín dụng để chúng tôi có lượng vốn tốt hơn”, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh Nguyễn Đặng Hiến cho biết.

Quyết định cấp thêm hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây cho các ngân hàng thương mại để “bơm” thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Hiện, có 15 ngân hàng thương mại đã được nhận thêm tín dụng như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… Đây là dư địa để các ngân hàng thương mại đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.

Nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, Chủ tịch Hội Dệt-may-thêu-đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng chia sẻ, doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.

“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định cấp thêm tín dụng cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.

“Việc cấp thêm tín dụng nên tập trung vào các doanh nghiệp có quá trình phục hồi tốt trong 8 tháng qua, tạo ra nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều lao động... để họ duy trì sản xuất, tăng tích trữ nguyên, vật liệu và tăng tồn kho do thị trường chậm, tạo việc làm cho người lao động ổn định”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Anh đề xuất.

Còn Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trí Thông cho rằng, đây là lúc các hiệp hội cần phải giúp doanh nghiệp hội viên xây dựng kế hoạch kinh doanh, tạo sự minh bạch trong hoạt động của mình cũng như tăng thêm sự tín nhiệm để ngân hàng có nguồn thông tin, ra quyết định tín dụng tốt hơn.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thành Tùng chia sẻ: Sau khi chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng, tín dụng năm nay của Vietcombank ở mức 17,7%. Vietcombank tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế. Vietcombank cam kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khách hàng sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn cũng như lãi suất cho vay ở mức hợp lý trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho hay, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng 7 và tăng 11% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng 7 và tăng 12,77% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng 7 và tăng 8,91% so với cùng kỳ 2021.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tăng 11% trong 8 tháng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vài năm gần đây, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế đất nước nói chung, thành phố nói riêng. Tuy vậy, diễn biến tín dụng hằng tháng cho thấy, mức tăng trên địa bàn có xu hướng chậm lại trong hai tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 10,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi tháng tăng 1,7%, nhưng mức tăng bình quân trong tháng 7 và 8 chỉ là 0,5%.